Tháp Eiffel giảm thời gian thắp sáng vì khủng hoảng năng lượng

Chuyển động - Ngày đăng : 16:30, 12/09/2022

Giới chức thành phố Paris (Pháp) dự định đề xuất dời giờ tắt đèn tháp Eiffel lên sớm hơn 1 tiếng cho với thường lệ trong lúc toàn châu Âu đang phải đối mặt với chi phí năng lương ngày càng cao.

Tháp Eiffel - một trong những địa điểm thu hút du khách nhất thế giới - thường được thắp sáng sau khi trời tối cho đến 1 giờ sáng hôm sau bằng hệ thống đèn vàng rực rỡ. Ngoài ra, 20.000 bóng đèn nhấp nháy còn tạo ra hiệu ứng lấp lánh cho tháp trong 5 phút lúc nửa đêm.

Nhưng nay giới chức Paris muốn tháp tắt đèn vào lúc 11 giờ 45 phút - thời điểm những du khách cuối cùng rời khỏi. Như vậy màn trình diễn nửa đêm sẽ không còn nữa.

Đề xuất trên được xem như cách làm gương cho nỗ lực giảm năng lượng chiếu sáng của thành phố. Theo người đứng đầu đơn vị quản lý tháp Eiffel Jean-François Martins: “Đây là một hành động mang tính tiêu biểu - một phần của nhận thức tiết kiệm năng lượng ngày một cao”.

Thắp sáng ban đêm chiếm 4% lượng điện tháp Eiffel sử dụng mỗi năm. Lượng khách ghé thăm tháp hiện đã tăng trở lại mức trước lúc dịch COVID-19 bùng phát: hơn 20.000 người mỗi ngày.

gettyimages-600405860-1517934809.jpg
Thời gian thắp sáng tháp Eiffel sẽ bị giảm - Ảnh: Getty Images

Ngoài Paris, nhiều thành phố khác của Pháp cũng giảm thời gian thắp sáng vài địa điểm quan trọng. Các đài kỷ niệm trên địa bàn Marseille, gồm cả Điện Pharo đều sẽ tắt đèn sớm hơn từ cuối tháng 9.

Cuộc chiến tại Ukraine cùng loạt diễn biến làm leo thang căng thẳng Nga - phương Tây sau đó khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng. Giá khí đốt tăng vọt ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.

Tại Pháp, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như bể bơi hay sân trượt băng bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty vận hành Vert Marine quyết định tạm đóng cửa 30 trên tổng số hồ bơi công cộng mà họ quản lý, điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động bị thất nghiệp. Nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lo lắng không đủ khả năng trả chi phí năng lượng trong mùa đông sắp tới.

Trong bối cảnh giá năng lượng quá cao, nhiều đơn vị sản xuất cũng buộc phải thu hẹp hoạt động. Nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu ArcelorMittal thông báo ngừng hoạt động một số lò sản xuất từ cuối tháng 9. Đơn vị thép Tây Ban Nha Ferroglobe cũng tạm đóng cửa hai lò sản xuất. Tập đoàn hóa chất Đức BASF đảm bảo giữ cho nhà máy Ludwigshafen hoạt động (nhưng phải giảm công suất) nếu nguồn cung khí đốt không giảm xuống dưới 50% nhu cầu tối đa của hãng.

Cẩm Bình