Trái phiếu doanh nghiệp: Việc xếp hạng tín nhiệm DN là bình thường nhưng lại là 'vấn đề' ở Việt Nam

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:30, 13/09/2022

“Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết.

Ai chịu trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)?

Tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” ngày 13.9, TS Trịnh Quang Anh cho biết, xét về khía cạnh vĩ mô, quy mô tín dụng hiện khoảng 11,5 triệu tỉ đồng chia cho GDP 8 triệu tỉ, được khoảng 144%; còn thị trường TPDN khoảng 17% GDP.

“Tín dụng năm nay khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room, sẽ tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Một số ngân hàng cũng giới thiệu cho các nhà đầu mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành qua các ngân hàng”, ông Quang Anh nói.

tpdn-1.jpg
Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” - Ảnh: Bizlive

Một khía cạnh nữa, ông Quang Anh cho biết là vấn đề xếp hạng tín nhiệm, đằng sau đó lại phải có những bảo hiểm rủi ro. Có những doanh nghiệp mới nhưng rất muốn phát hành, trong khi chưa có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm đủ tầm, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.

“Ai xếp hạng tín nhiệm và khi các doanh nghiệp muốn xếp hạng tín nhiệm có tìm đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm này không?”, TS Trịnh Quang Anh băn khoăn.

Chuyên gia này cũng cho rằng, cơ quan quản lý thường nói phải công khai minh bạch nhưng hiện có những cách làm rất không rõ ràng.

“Chúng ta đặt kỳ vọng thị trường trái phiếu lớn nhanh nhưng bền vững song thực tế trong quá trình phát triển phải có quá trình sàng lọc, đào thải mới có sự phát triển. Nên có những chuyện nọ chuyện kia cũng là điều cần thiết để thanh lọc thị trường”, TS Trịnh Quang Anh nói và cho rằng, chỉ có những vấn đề rủi ro vĩ mô là cần phải quản lý còn những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thị trường hãy để nó diễn ra đúng quy luật.

tpdn-2.jpg
TS Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam

TS Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường TPDN bao gồm thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng theo luật chứng khoán và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong số 1,4 triệu tỉ đồng trái phiếu đã phát hành, có 80% là phát hành riêng lẻ và 20% còn lại phát hành ra công chúng. Nghị định 153 tập trung vào trái phiếu phát hành riêng lẻ nhưng cho tới nay, chưa có cơ quan nào trả lời 20% trái phiếu phát hành ra công chúng đang có vấn đề gì hay không.

“Một điều chúng ta cần lưu ý, năm 2021 doanh nghiệp phát hành trái phiếu cực lớn, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh đây là năm mà chúng ta chịu tác động cực mạnh của dịch bệnh. Do đó, chúng ta không thể bỏ qua câu chuyện tác động của dịch bệnh tới thị trường này”, ông Ánh nói.

Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm về thị trường TPDN? Nghị định 153 quy định rất rõ là Bộ Tài chính, tuy nhiên, chỉ Bộ Tài chính thì không thể giải quyết được các vấn đề của thị trường nếu không có sự tham gia của NHNN, bởi họ là người mua TPDN, là người tham gia lớn nhất.

“Vừa qua, báo chí nói nhiều đến một thị trường TPDN 3 không: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, cái không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường TPDN, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng”, ông Ánh nêu.

Phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm

Theo ông Vũ Đình Ánh, quan trọng nhất của TPDN là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan.

tpdn-3.jpg
TS Vũ Đình Ánh chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

Ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, thị trường vốn Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, hiện nay đã lớn nhất Đông Nam Á và sẽ phát triển lớn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào có sự phát triển nhanh như vậy cũng có những rủi ro về hệ thống.

“Chúng ta có những khoản trái phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân và thật đáng tiếc khi có những nhà đầu tư mất tiền như vậy. Thực tế, có những trái phiếu không phải lúc nào cũng tốt, luôn có những rủi ro. Việt Nam có thị trường trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng”, ông Don Lambert nói.

Theo chuyên gia này, hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.

“Xếp hạng chính là ý kiến và bạn cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh bởi những ý kiến tác động của bên nào”, ông Don Lambert nói.

Ông Don Lambert cho rằng trong môi trường xếp hạng tín nhiệm chặt chẽ các nhà đầu tư có thể hy sinh lợi nhuận để có xếp hạng tín nhiệm. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì cần các quy định pháp luật cần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm cũng có chi phí khá đắt đỏ như chi phí kế toán, kiểm định… Và tất cả các chi phí này có thể lên tới hàng chục nghìn USD.

“Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert băn khoăn.

Ở chiều ngược lại, ông Don Lambert cho rằng, việc có nhiều doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm sẽ dẫn đến cạnh tranh, có thể có những xếp hạng không chính xác và đưa việc xếp hạng tín nhiệm xuống đáy. Hiện tại Việt Nam đã có vài đơn vị xếp hạng tín nhiệm và còn có thêm một số trong thời gian tới.

Ông Don Lambert đề xuất Việt Nam hãy nhìn sang các nước trong khu vực xem họ xếp hạng như thế nào? Ví dụ ở Malaysia nếu không được xếp hạng tín nhiệm lần 1 thì sẽ gửi yêu cầu xếp hạng lần 2, nhưng điều này sẽ khó áp dụng ở Việt Nam. Còn ở Ấn Độ, muốn xếp hạng lần 2 phải công bố xếp hạng lần đầu. Vậy thì sẽ có những doanh nghiệp xếp hạng 3 chữ A lần đầu nhưng 3 chữ B lần sau, như vậy việc xếp hạng tín nhiệm tan nát.

Lam Thanh