Mỹ cân nhắc trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan
Chuyển động - Ngày đăng : 09:55, 14/09/2022
Các nguồn thạo tin nói với Reuters rằng quá trình cân nhắc lẫn nỗ lực kêu gọi chỉ mới ở giai đoạn đầu. Ý tưởng chung là áp đặt sự trừng phạt ngoài việc đã trừng phạt hạn chế thương mại và đầu tư Trung Quốc đang được áp dụng. Các nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết.
Tuy nhiên, cựu quan chức thương mại Mỹ Nazak Nikakhtar cho rằng trừng phạt nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là mắt xích quan trọng bậc nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu không phải việc khả thi. “Trừng phạt Trung Quốc khó hơn trừng phạt Nga, vì Mỹ cùng đồng minh có quan hệ kinh tế phức tạp với nước này”, bà Nikakhtar nhận định.
Theo nguồn tin, Mỹ đã bàn về trừng phạt sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra vào tháng 2, và đến khi Trung Quốc phản ứng gay gắt với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8 thì việc này mới lại được quan tâm.
Đầu năm nay, Washington từng đe dọa trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine, nhưng kết quả không ngăn được Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự.
Nguồn tin cho biết Nhà Trắng muốn tập trung kêu gọi các quốc gia khác cùng tham gia trừng phạt Trung Quốc nhưng tránh khiêu khích Bắc Kinh. Một số nhà phân tích nhận định quân đội Trung Quốc sẽ là mục tiêu chính.
“Bàn luận về trừng phạt ban đầu có thể xoay quanh phương án hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ cần thiết để duy trì một cuộc tấn công Đài Loan”, theo học giả Craig Singleton thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (FDD).
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin Reuters đưa ra. Cơ quan đối ngoại Đài Loan không tiết lộ thông tin gì mà chỉ tuyên bố họ có thảo luận với Mỹ, châu Âu và các đối tác khác về hoạt động tập trận gần đây của Trung Quốc cũng như về mối đe dọa mà Bắc Kinh đem lại.
Nguồn tin của Reuters tiết lộ Đài Loan cũng đã đề xuất về biện pháp trừng phạt Trung Quốc với các quan chức châu Âu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Những cuộc tập trận quân sự gần đây của Bắc Kinh đã khiến Đài Bắc trở nên quyết tâm hơn.
Đài Loan không nêu yêu cầu cụ thể mà chỉ thúc giục châu Âu lên kế hoạch sẵn, đồng thời đề nghị châu Âu cảnh báo riêng với Trung Quốc.
Phía EU lâu nay vẫn tránh áp đặt trừng phạt quá mạnh tay vì vấn đề nhân quyền với Trung Quốc, do Bắc Kinh có ảnh hưởng kinh tế với khối lớn hơn Nga. Sự trừng phạt bao trùm sẽ yêu cầu 27 thành viên đều thực hiện - một điều cực kỳ khó khăn. Ngay cả sự trừng phạt hiện tại với Nga cũng đã gây chia rẽ trong khối EU.