TS Cao Viết Sinh: Lưu ý vấn đề “toàn cầu hóa bị đảo ngược”
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:31, 14/09/2022
Quy hoạch như công bình mở đường
Tại hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 14.9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội rất lớn để Việt Nam đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất”, ông Dũng nói.
Để làm tốt công tác quy hoạch, ông Dũng cho rằng phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi chúng ta phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất.
TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng QHTTQG cần làm rõ hơn điểm nghẽn về các yếu tố nền tảng trong phát triển, như: thể chế phát triển, nguồn nhân lực, phương thức quản trị; các vấn đề bền vững, các cân đối lớn (như: cân đối tích lũy-tiêu dùng; năng lượng; lương thực; cân đối thu chi ngân sách; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế...)…
Ngoài ra, tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế, khả năng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn là thách thức lớn.
TS Cao Viết Sinh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần lưu ý thêm các vấn đề bao trùm và bất định là “toàn cầu hóa bị đảo ngược”, tốc độ, cơ cấu thương mại cũng thay đổi theo, thay đổi cả địa chính trị của các nước lớn.
“Xu hướng quay trở về nâng cao năng lực sản xuất nội địa và tự chủ kinh tế nhiều hơn. Ngay cả những nước lớn, như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc... cũng ưu tiên nội nhu thay vì hướng xuất khẩu như trước đây?”, ông Sinh nói..
Dự thảo QHTTQG cũng đề xuất 5 vấn đề trọng tâm, đột phá cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, đó là: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lương, hiệu quả; tập trung phát triển một số vùng động lực và cực tăng trưởng; phát triển các hành lang kinh tế bắc - nam và hướng đông - tây; tập trung phát triển một số khu kinh tế gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, nên nghiên cứu điểm nghẽn cần thoát ra là thể chế phát triển, liệu lần này trong quy hoạch có đặt ra để giải quyết, thúc đẩy thực hiện QHTTQG hay không?
“Một vấn đề nữa là hình thành năng lực sản xuất quốc gia? Ai là trụ cột phát triển kinh tế, doanh nghiệp khu vực kinh tế nào hiện thực hóa quy hoạch phát triển (doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài)”, ông Sinh nêu vấn đề.
Cũng theo ông Cao Viết Sinh, trước đây, các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế, khởi công nhiều dự án sản xuất hiện thực hóa quy hoạch phát triển, nay hầu như án binh bất động, ít khởi công các dự án lớn. Các tập đoàn tư nhân lớn, tiềm lực mạnh thì ít quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, làm chủ công nghệ, nặng về bất động sản, nghỉ dưỡng…
Phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trước hết cần làm rõ quy hoạch khác với chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm như thế nào. Việc xây dựng quy hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Quy hoạch; đồng thời, phải đánh giá sát tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo với các "số liệu biết nói" cụ thể.
Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực. Trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, tranh thủ ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá; đồng thời chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…).
Thủ tướng cho rằng việc xây dựng quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực, "văn hóa còn thì dân tộc còn"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".