Kon Tum muốn có sân bay vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:05, 15/09/2022
Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời giao cho tỉnh triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo đề xuất của Kon Tum, sân bay Măng Đen có quy mô cấp 4E, công suất thiết kế từ 3 đến 5 triệu hành khách/năm, đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông với diện tích đất khoảng 350 ha. Sân bay dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2027.
Tỉnh Kon Tum cho biết, TT.Măng Đen có một số vị trí thuận lợi để xây dựng sân bay như quỹ đất sạch do địa phương quản lý, giao thông kết nối thuận lợi, gần QL24, tốc độ gió thấp; mặt bằng thuận tiện cho việc bố trí đường cất hạ cánh.
Về nhu cầu sở hữu sân bay, Kon Tum cho biết đây là tỉnh miền núi cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên; có vị trí tọa lạc tại khu vực ngã 3 Đông Dương, trong vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông - Tây (Myanmar - Thái Lan - Lào - Campuchia - Việt Nam).
Kon Tum cũng là điểm khởi đầu của trục phát triển kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn. Kon Tum cách TP.Đà Nẵng khoảng 300 km, cách các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội từ 110 - 160 km; được coi là điểm nối quan trọng giữa vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước.
Theo ý tưởng khung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kon Tum dự kiến sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch Măng Đen; Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, H.Kon Plông.
Theo dự thảo của "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.
14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 3 sân bay dân dụng đang hoạt động (gồm sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Liên Khương), mỗi sân bay cách nhau khoảng 200km.
Như vậy, chỉ có Kon Tum và Đắk Nông là chưa có sân bay dân dụng. Vào cuối tháng 5, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng. Sân bay hiện có 1 đường băng dài hơn 800m, có thể tiếp nhận các máy bay chở khách loại nhỏ và máy bay trực thăng.
Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương này chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ; đường thủy không khai thác được, đường sắt, đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng; đây là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đây vẫn là điểm nghẽn đối với quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông.