Chưa kịp chứng kiến Thụy Điển gia nhập NATO, nữ thủ tướng đã phải từ chức
Quốc tế - Ngày đăng : 12:40, 15/09/2022
Lãnh đạo phe đối lập trung hữu của Thụy Điển Ulf Kristersson đã tuyên bố chiến thắng vào tối thứ Tư sau 3 ngày kiểm phiếu tỉ mỉ. Trong cuộc tổng tuyển cử, phe của ông Kristersson đã giành lợi thế ba ghế sít sao.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Magdalena Andersson đã thừa nhận thất bại, đồng thời sẽ từ chức thủ tướng vào thứ Năm, nhưng vẫn là lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội đối lập.
Thử thách mới cho phe chiến thắng không hề dễ dàng. Thủ tướng tương lai Kristersson hiện phải đối mặt với một thách thức mới là tập hợp một chính phủ từ các nhóm đồng minh ủng hộ ông lãnh đạo Thụy Điển nhưng lại có mâu thuẫn rất khác nhau.
Một đồng minh lớn ông có là đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) cực hữu, được nhiều người coi là những người chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sau khi tăng lên 21% sự ủng hộ của cử tri. SD đại diện cho những người đang yêu cầu luật nhập cư và chính sách thực thi pháp luật cứng rắn hơn. SD vượt trội hơn cả đảng Moderate của ông Kristersson, vốn chỉ giành được 19 phần trăm số phiếu bầu.
SD vốn bị các đảng chính thống của Thụy Điển tẩy chay từ lâu vì có nguồn gốc tân Quốc xã. Đây là lần đầu tiên SD chịu áp lực từ các cử tri để thể hiện vai trò khi chuẩn bị hình thành liên minh cầm quyền với phe của ông Kristersson.
Lãnh đạo SD Jimmie Akesson cũng đã nhắn nhủ: “Thành công của chúng tôi trong cuộc bầu cử ngụ ý trách nhiệm nặng nề đối với cử tri, mà chúng tôi sẽ làm hết khả năng tốt nhất có thể”.
Vẫn chưa rõ ông Kristersson có chấp nhận mọi giá để kết liên minh với SD không vì điều này sẽ có nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, nếu không chơi với SD thì ông cũng khó tìm đủ phiếu để tạo đa số. Với đa số mỏng trong Quốc hội, quyền lực của ông Kristersson sẽ không thể chống lại nhiều cuộc nổi loạn trong hàng ngũ. Nếu chỉ cần hai nhà lập pháp đổi bên, điều đó có thể mở ra cánh cửa cho thủ tướng sắp mãn nhiệm Andersson quay trở lại.
Tomas Ramberg, một nhà bình luận chính trị của đài truyền hình quốc gia Thụy Điển, cho biết: "Đây là một chính phủ được hình thành rất mong manh. Ở đây có rất nhiều thứ để cho Kristersson mất ngủ hàng đêm".
Bất ổn chính trị là điều mà Thụy Điển không thể chịu đựng được với tình trạng suy thoái kinh tế đang diễn ra và đơn xin gia nhập NATO đang được tiến hành xem xét. Thụy Điển cũng đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào tháng 1.
Vào hồi tháng 5, Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập vào NATO sau khi chứng kiến Nga đưa quân vào Ukraine. Cho đến nay, cả chính quyền Thụy Điển và Phần Lan đều giảm sút uy tín.
Chỉ có điều, nếu nữ Thủ tướng Phần Lan gặp những tai tiếng liên quan đến đời sống cá nhân thì nữ Thủ tướng Thụy Điển gặp áp lực liên quan đến các vấn đề vì suy thoái kinh tế. Trong thời gian 3 tháng qua, một loạt thủ tướng ở châu Âu phải rời khỏi chức vụ do hậu quả kinh tế suy thoái mà nguyên nhân là căng thẳng với Nga. Trước đó, các Thủ tướng Bulgaria, Anh và Italia đều cùng nộp đơn từ chức.