Bác sĩ đang ở Mỹ có thể mổ trực tiếp cho bệnh nhân tại Việt Nam
Tiến bộ y học - Ngày đăng : 15:03, 15/09/2022
Chiều 15.9, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã chính thức đưa vào sử dụng robot corindus hỗ trợ can thiệp DSA (ứng dụng chụp mạch số xóa nền). Đây là loại robot lần đầu tiên có mặt tại các nước Đông Nam Á.
Theo TS-BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, robot corindus có chức năng hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất, giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân.
Robot corindus còn giảm ảnh hưởng tác động của áo chì và tư thế đứng, giảm chấn thương cột sống cho các bác sĩ thực hiện thủ thuật chính, và giúp chuyên gia có thể ngồi thoải mái để điều khiển thao tác của cánh tay robot tại phòng can thiệp, đặc biệt hiệu quả trong các ca thiệp phức tạp.
Thời gian thực hiện các ca can thiệp phức tạp có sự hỗ trợ của robot này sẽ nhanh hơn việc thực hiện thủ thuật can thiệp bằng tay (đặc biệt với các ca can thiệp mạch vành cần đặt 2 stent).
Can thiệp bằng robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng trong can thiệp (các ca tái tưới máu cấp cứu cho bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp). Thực hiện thủ thuật qua động mạch quay trái và động mạch quay phải dễ dàng, giúp thuận lợi hơn cho bệnh nhân.
Khả năng hỗ trợ đo đạc, tính toán chính xác tổn thương hẹp mạch máu của robot làm giảm số lượng stent cần đặt, và hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent do tính năng đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu (các tổn thương tại các vị trí mạch máu gấp khúc, đoạn cong).
Bác sĩ Cường cho biết thêm, trong tương lai, với tính năng có thể điều khiển từ xa (qua internet) robot corindus giúp tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu, giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý, kết nối với các bệnh viện hàng đầu trên thế giới đang sử dụng robot corindus để can thiệp mạch (tính năng telerobotic trên robot corindus).
“Khi đó, cánh tay robot corindus tại bệnh viện chúng tôi sẽ được kết nối với trạm điều khiển của một bệnh viện khác cũng đang trang bị hệ thống robot corindus tại châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản. Tại đây, các bác sĩ có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch phức tạp”, bác sĩ Cường giải thích.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong 3 năm qua, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 82.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị vì đột quỵ. Đa số các bệnh nhân đến từ các tỉnh miền Tây và một số khu vực khác trong cả nước.
Bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” - trước 6 giờ cấp cứu đột quỵ đạt khoảng 20%, có thể thấy đây là con số chứng minh hiệu quả cấp cứu đột quỵ tại khu vực miền Tây ngày càng được nâng cao, tốt hơn rất nhiều so với trước đây do cải thiện được việc di chuyển lên TP.HCM làm trễ “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ.
Để đạt tỷ lệ giờ vàng cao, chính nhờ vị trí trung tâm của TP.Cần Thơ dễ dàng kết nối đến các tỉnh, cũng như sự đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tạo được niềm tin cho người dân. Điều này giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ tại các tỉnh, thành miền Tây.