Mặt trời có màu vàng hay trắng?

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:30, 15/09/2022

Dòng tweet kỳ lạ về màu sắc thực sự của Mặt trời đã gây ra một cuộc tranh luận trên Twitter khi người dùng đặt câu hỏi liệu ngôi sao gần nhất của chúng ta thực sự là màu trắng hay màu vàng.

Vào ngày 12.9, tài khoản Twitter Latest In Space, chuyên đăng tin tức và sự kiện liên quan đến không gian, đã viết: "Sự thật về không gian: Mặt trời thực sự có màu trắng, nhưng xuất hiện màu vàng do bầu khí quyển của Trái đất”.

Trong vòng chưa đầy 24 giờ, tweet đã thu được hơn 1.000 lượt retweet và hơn 10.000 lượt thích, cộng với hàng trăm phản hồi.

mat-troi-2.png
Dòng tweet khẳng định Mặt trời màu trắng của Latest In Space - Ảnh: Twitter

"Không phải màu trắng!", một người dùng Twitter cho biết và chỉ ra những hình ảnh mặt trời có màu vàng rõ rệt được đăng trên trang web của NASA.

"Vậy thì tại sao chúng ta lại gọi Mặt trời là sao Vàng lùn?", một người khác đưa ra câu hỏi.

Có thể hiểu khi nói rằng mặt trời có màu vàng là vì trong một số lần xuất hiện trong ngày, lúc hoàng hôn hay bình mình, nó khiến bầu trời có màu cam hoặc đỏ.

Thực chất, mặt trời có màu đỏ hoặc cam khi mọc và lặn là do hiện tượng tán xạ của ánh sáng trong khí quyển.

Khi ánh sáng mặt trời (bao gồm các màu có bước sóng khác nhau) đến Trái đất và qua bầu khí quyển, ánh sáng có bước sóng ngắn hơn (cụ thể là xanh lam và tím) sẽ có xu hướng bị tán xạ, ngược lại các màu có bước sóng dài hơn (như đỏ, vàng và cam) ít bị tán xạ và dễ dàng đi xuyên qua hơn.

Vì vậy, lý do hoàng hôn và bình minh có màu đỏ, cam... là vì chúng ta có thể nhìn thấy nhiều ánh sáng đỏ hơn vào thời điểm ánh sáng mặt trời chiếu tới mắt chúng ta. Ngoài ra, chúng ta thường thấy ánh nắng từ mặt trời chiếu xuống có màu vàng. Hiệu ứng tương tự cũng gây ra mặt trăng màu đỏ.

mat-troi-1.png
Mặt trời thường xuất hiện màu đỏ vào bình minh hoặc hoàng hôn - Ảnh: Newsweek

Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng trong trường hợp mặt trời có màu trắng vào buổi trưa. Khi mặt trời đi gần lên thiên đỉnh, ánh sáng mặt trời sẽ xuyên qua lượng khí quyển ít nhất để đến được mắt người quan sát trên bề mặt Trái đất. Điều này có nghĩa là những tia sáng này không có cơ hội "va" vào nhiều hạt cấu thành của khí quyển. Do đó, tất cả các màu của ánh sáng mặt trời đến mắt người quan sát với cường độ gần như bằng nhau. Sự kết hợp của tất cả các bước sóng này tạo cho mặt trời một màu trắng chói mắt.

Bên ngoài ảnh hưởng tán xạ của bầu khí quyển của chúng ta, các phi hành gia cũng đồng ý rằng, ánh sáng mặt trời trông có màu trắng. "Tôi có thể xác nhận sự thật về Mặt trời màu Trắng", cựu phi hành gia Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế Scott Kelly đã phản hồi dòng tweet của Latest In Space.

mat-troi-3.png
Cựu phi hành gia của NASA Scott Kelly retweet đồng tình với khẳng định Mặt trời màu trắng - Ảnh: Twitter

Theo Trung tâm năng lượng mặt trời Stanford tại Đại học Stanford (Mỹ), lý do ánh sáng mặt trời trong không gian trông có màu trắng là vì ánh sáng cường độ cao do mặt trời phát ra "về cơ bản là tất cả các màu trộn với nhau".

mat-troi-4.png
Một bức ảnh của NASA cho thấy ánh sáng mặt trời trắng sáng khi được quan sát từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 7.2020 - Ảnh: NASA

Khi tất cả các màu được trộn với nhau, với mắt con người, chúng có màu trắng. Ánh sáng của mặt trời có màu trắng chính là sự kết hợp của tất cả 7 màu sắc của cầu vồng và tất cả chúng đều có bước sóng khác nhau. Cầu vồng về cơ bản hiện tượng tán sắc của ánh sáng từ Mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa.

Một chuyên gia giải thích rằng, lý do khiến hình ảnh mặt trời trông có màu vàng, hoặc thậm chí xanh lục hoặc xanh lam trong một số hình ảnh của NASA, là chúng đã được chỉnh sửa có chọn lọc để hiển thị một số chi tiết nhất định.

Hoàng Vũ