Tổng thống Mỹ Biden ủng hộ phát triển thịt nuôi trong phòng thí nghiệm

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:52, 15/09/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính phủ muốn chính thức ủng hộ công nghệ sinh học, bao gồm những phát triển mới như thịt được phát triển trong phòng thí nghiệm.

Trong một sắc lệnh hành pháp mới được ban bố trong tuần này, ông Biden nói rằng chính phủ Mỹ đang tận tâm đầu tư vào công nghệ sinh học sẽ thúc đẩy an ninh lương thực của Mỹ bằng việc phát triển “các nguồn thực phẩm thay thế" và "tìm cách cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp đổi mới thông qua các công nghệ mới, bao gồm thực phẩm được làm bằng tế bào động vật được nuôi cấy".

Gia súc truyền thống và chăn nuôi gia súc tạo ra một lượng lớn khí thải carbon dioxide (CO2) trong chuỗi cung ứng, ngoài khí methan do chính động vật thải ra trong quá trình ợ hơi của chúng. Methan cũng là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính và giữ nhiệt trên mỗi phân tử nhiều hơn 25 lần so với khí CO2.

"Ngành công nghiệp toàn cầu đang trên đỉnh của cuộc cách mạng được hỗ trợ bởi công nghệ sinh học. Các phân tích và thực tế cho thấy rằng, trước khi kết thúc thập kỷ này, sinh học kỹ thuật có tiềm năng được sử dụng trong các ngành sản xuất chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn cầu. Con số đó tương đương với gần 30 nghìn tỉ USD", một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết trong cuộc họp báo công bố lệnh hành pháp.

depositphotos_310689354_xl-2015-scaled.jpg
Thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Internet

Thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là một sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng phương pháp truyền thống (giết mổ để lấy thịt), mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong thí nghiệm. Một số chuyên gia cho rằng, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được coi là tương lai của ngành sản xuất thịt trước tình hình biến đổi khí hậu.

Theo Good Food Institute - một tổ chức phi lợi nhuận ủng các lựa chọn các sản phẩm lương thực thay thế dựa trên thực vật và tế bào – cho biết thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách nuôi cấy tế bào gốc động vật trong lò phản ứng sinh học ở mật độ và khối lượng cao. Chúng được nuôi bằng môi trường nuôi cấy tế bào giàu oxy và tạo thành từ các chất dinh dưỡng cơ bản như: axit amin, glucose, vitamin và muối vô cơ, cũng được bổ sung thêm hàm lượng protein nhất định và các yếu tố tăng trưởng khác.

Tùy thuộc vào loại thịt được nuôi cấy, quá trình sản xuất có thể mất từ ​​2 đến 8 tuần.

Vào năm 2013, chiếc hamburger kẹp thịt bò nuôi cấy đầu tiên được tạo ra bởi Mark Post tại Đại học Maastricht (Hà Lan). Nó được làm từ hơn 20.000 sợi mô nuôi cấy, có giá hơn 300.000 USD và cần 2 năm để sản xuất.

first_cultured_hamburger_fried.png
Miếng thịt nhân tạo có chi phí sản xuất hơn 300.000 USD - Ảnh: Wikipedia

“Mỹ có cơ hội dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng một cách tiếp cận mới, lành mạnh và bền vững hơn để tạo ra nguồn thịt nhân tạo. Nó rất quan trọng đối với an ninh lương thực của chúng ta, đối với cơ sở sản xuất và công nghệ của chúng ta, cũng như đối với đạo đức con người. Tôi hoan nghênh bước đi táo bạo trong tuần này của Nhà Trắng”, Josh Tetrick, đồng sáng lập và CEO của công ty chuyên nghiên cứu sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm Eat Just, cho biết.

Tuy vậy, hoài nghi về tính an toàn cũng là một rào cản trong quá trình "phủ sóng" thịt nhân tạo. Trang tin EU-Startups hồi tháng 1 năm ngoái đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy 43% người khẳng định vẫn sẽ sử dụng thực phẩm gốc động vật kể cả khi thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm có giá ngang bằng.

Cho rằng thịt nuôi cấy "không tự nhiên", họ lo ngại sản phẩm này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe dù hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy thịt ống nghiệm kém an toàn.

Ngoài ra, mùi vị cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng e dè với thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm. Mặc dù các công ty đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để bảo đảm thịt nhân tạo có hương vị giống thịt thật, một số người tiêu dùng có thể không bị thuyết phục, đặc biệt là về mặt cấu trúc thịt.

Bên cạnh đó, không chắc liệu tác động khí hậu của ngành công nghệ sinh học thịt trong phòng thí nghiệm có dẫn đến ít phát thải hơn hay không. Một nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Oxford (Anh) cảnh báo rằng, năng lượng được sử dụng để phát triển thịt trong phòng thí nghiệm có thể thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với chăn nuôi gia súc.

Hoàng Vũ