“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị”

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:28, 15/09/2022

“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị; không lĩnh vực nào người dân chịu bất công như khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nêu.

Ngày 15.9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếng nói của người dân có phần mờ nhạt

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng đất đai, hơn bất kỳ thứ gì, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân. Nhưng tiếng nói của nhân dân trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có phần mờ nhạt.

Theo Điều 29 về quyền công dân đối với đất đai, công dân có 03 quyền: quyền tham gia đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu... quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn ….; quyền tiếp nhận các thông tin về đất đai.

“Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai chưa được quy định hoặc quy định quá chung chung, không cụ thể; công dân không thực hiện được. Công dân thực hiện các quyền của mình vừa trực tiếp vừa thông qua tổ chức của mình cũng chưa được quy định đầy đủ”, ông Đường nói.

duong.jpg
GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UB Trung ương MTTQ Việt Nam

Cũng theo ông Đường, quy định ở điều 221 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, giám sát như thế nào, giám sát ai và giám sát công việc gì về quản lý và sử dụng đất đai thì dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không quy định cụ thể.

Vì vậy, GS-TS Trần Ngọc Đường đề xuất, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào mục 3 Chương II: quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những quyền gì? Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp nào? Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện như thế nào?

Đồng thời, bổ sung vào Chương IV về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình.

“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị”

Góp ý vào việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nhận định việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.

Bà Bình nêu thực tế, ở những vùng người dân đã ổn định rồi nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa đền bù, nhà cửa của người dân phải di dời gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác.

“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”, bà Bình nêu thực trạng.

binh.jpg
Bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre phát biểu

Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.

“Nếu cứ quy định chung chung thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng các khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị mà người dân lại thiệt đơn, thiệt kép” bà Bình nói.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.

Lam Thanh