Mỹ, EU gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ về trừng phạt Nga

Chuyển động - Ngày đăng : 08:31, 16/09/2022

Trang The Financial Times dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn việc trốn tránh trừng phạt Nga.

Lĩnh vực ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là “cửa sau” tiềm năng cho hoạt động tài chính phi pháp, vì không ít ngân hàng nước này tham gia hệ thống thanh toán Mir do Nga lập nên. Phía EU chuẩn bị cử phái đoàn trực tiếp bày tỏ quan ngại với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi phương Tây chuyển hướng sang siết chặt trừng phạt hiện hành thay vì áp đặt trừng phạt mới. Thay đổi này cho thấy nỗ lực gây thiệt hại cho kinh tế Nga không đạt hiệu quả như mong đợi, nhưng họ vẫn quyết tâm bịt các lỗ hổng trong thực thi trừng phạt nhằm từ từ bóp nghẹt huyết mạch tài chính Moscow.

Một nguồn tin cho biết: “Chúng tôi tập trung vào hành vi trốn tránh trừng phạt lĩnh vực tài chính. Chúng tôi sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng rằng tổ chức tài chính ở nước thứ ba không nên kết nối với hệ thống Mir vì làm vậy mang rủi ro về việc trốn tránh trừng phạt”.

Nguồn tin thứ hai cũng nhấn mạnh cần bịt lỗ hổng, đồng thời cho biết Mỹ cùng EU trong lần thảo luận về thực thi trừng phạt tháng qua đã xác định Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - là mục tiêu chỉnh đốn chính.

Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan theo đuổi cách tiếp cận cân bằng trong cuộc chiến tại Ukraine. Ông từ chối hưởng ứng trừng phạt Nga, thời gian gần đây còn cam kết tăng cường hợp tác kinh tế với Moscow. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước tuyên bố quá trình mở rộng hệ thống Mir ở nước này đạt tiến bộ đáng kể.

VakıfBank, Ziraat Bank, İşBank, DenizBank, Halkbank - 5 trong số các ngân hàng lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ - hiện đều là thành viên hệ thống Mir. Đặc biệt DenizBank và Halkbank từng bị cáo buộc lách trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran năm 2010. Hai ngân hàng này gia nhập Mir sau khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine.

us01.jpg
Nhiều ngân hàng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên hệ thống Mir - Ảnh: Sipa

İşBank tuyên bố tuân thủ nghiêm ngặt mọi trừng phạt hiện hành, thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo giao dịch thẻ Mir không vi phạm. DenizBank cũng khẳng định không thực hiện giao dịch với ngân hàng bị trừng phạt, tuân thủ mọi trừng phạt quốc tế đối với Nga. Halkbank, VakıfBank, Ziraat Bank chưa đưa ra bình luận gì.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết dù lâu nay có chính sách chỉ tuân thủ trừng phạt do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhưng nước này quyết không trở thành kênh trốn tránh trừng phạt.

Nhằm tăng cường hiệu quả thực thi trừng phạt, ủy viên phụ trách vấn đề tài chính EU Mairead McGuinness chuẩn bị sang Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới. Trước đó, bà đã đến thăm một số nước thảo luận vấn đề liên quan đến tài chính, đặc biệt là việc thực thi trừng phạt.

Tháng trước, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cũng viết thư cho doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ với nội dung cảnh báo nỗ lực lợi dụng nước này trốn tránh trừng phạt của Nga và rủi ro khi giao dịch với thực thể Nga hứng chịu trừng phạt.

Theo các nguồn tin, phương Tây sẽ nhắm vào cá nhân thay mặt Nga tiến hành giao dịch, tổ chức giúp Nga thiết lập hệ thống thanh toán song song, thực thể hỗ trợ xử lý nguồn thu từ xuất khẩu của Nga hoặc tạo điều kiện cho nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hay quốc phòng nằm trong trừng phạt, xử lý nhiều cá nhân trong ngành phần mềm, thương mại điện tử và an ninh mạng của Nga hơn nữa.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cùng EU còn định lấp lỗ hổng trong thực thi trừng phạt ở các quốc gia khu vực Caucasus, Trung Á và Vùng Vịnh. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ James O’Brien nhắc nhở Nga sẽ thử mọi “cửa sau”.

Cẩm Bình