Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:01, 16/09/2022

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 52% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 33 624 tỉ đồng. Điều này tạo ra áp lực trả nợ trong khi doanh nghiệp cần vốn phục hồi sau đại dịch.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nếu năm 2018, các doanh nghiệp chỉ phát hành 224 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp thì năm 2019 phát hành đạt 312.000 tỉ đồng còn năm 2020 tăng lên đến 436.000 tỉ đồng và năm 2021 phát hành tăng vọt lên tới 722.700 tỉ đồng.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành.

Năm 2021, riêng các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỉ đồng trái phiếu, tương đương 9 tỉ USD, gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỉ đồng.

Sau một thời gian tăng nóng, những tháng vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm lắng.

trai-phieu.jpg
Những tháng vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm lắng

Nhiều chuyên gia cho rằng sắp tới sẽ đáo hạn hàng trăm nghìn tỉ trái phiếu doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phát hành tiếp được để đảo nợ thì tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra ở một bộ phận khá lớn doanh nghiệp. Đây là vấn đề gây tác động xấu cho thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là ngân hàng, vì tài sản thế chấp của ngân hàng hầu hết là bất động sản.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,5 triệu tỉ đồng, bằng khoảng 1/3 tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng (khoảng 5 triệu tỉ đồng).

Theo vị chuyên gia, những năm vừa qua, vốn huy động từ trái phiếu tăng trưởng khoảng 30 - 35%/năm. 2 năm sau, khối lượng trái phiếu có thể tăng lên gấp đôi khoảng 2,8 triệu tỉ đồng, 2 năm kế tiếp tăng lên 5,6 triệu tỉ đồng và 6 năm sau lên 11,2 triệu tỉ đồng.

TS Lê Xuân Nghĩa tiết lộ, tại cuộc họp với Thủ tướng, một vấn đề được đề cập là tử huyệt của nền kinh tế. Theo đó, với tổng đáo hạn cuối năm 2022 là 84.000 tỉ đồng, cả năm 2023 là 140.000 tỉ đồng, thị trường trái phiếu mà đổ bể, vỡ nợ thì chính là tử huyệt của kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, 745.400 tỉ đồng là giá trị phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn từ nay đến hết năm 2024. Cụ thể, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỉ đồng, năm 2023 là 271.400 tỉ đồng và năm 2014 là 329.500 tỉ đồng. Chiếm tỷ trọng nhiều nhất là nhóm bất động sản và các tổ chức tín dụng.

Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết tổng trị giá trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2023 là 120.400 tỉ đồng, năm 2024 là 121.100 tỉ đồng. Công ty này nhận định, cuối năm 2022 và năm 2023, 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh đến từ việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn ngắn trong giai đoạn 2020-2021.

ha.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Theo ông Hà, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 52% tổng trị giá đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 33.624 tỉ đồng. Điều này tạo ra áp lực trả nợ trong khi doanh nghiệp cần vốn phục hồi sau đại dịch mà còn những thay đổi pháp lý sau các động thái chấn chỉnh thị trường thời gian qua còn tác động đến rủi ro thanh khoản.

“Có thể có nguy cơ là một số doanh nghiệp không thể trả nợ tiền trái phiếu khi đến hạn, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu và có thể gây ra những hệ lụy không tốt. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng có dự đoán những kịch bản cho trường hợp xấu này và có giải pháp để giải quyết những doanh nghiệp đáo hạn mà không thể thanh toán”, ông Hà nói.

Ngoài ra, theo ông Hà, tín dụng bất động sản nửa cuối năm nay sẽ không còn dễ dàng với doanh nghiệp dù các ngân hàng đã nới “room” tín dụng dẫn đến tiến độ triển khai dự án của các doanh nghiệp bất động sản nửa cuối năm gặp khó khăn hơn và gây ra áp lực không chỉ áp lực về vốn để triển khai các dự án bất động sản mà còn tạo ra áp lực thanh toán các trái phiếu đáo hạn.

“Trong năm vừa qua, vụ việc 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trị giá hơn 10.000 tỉ đồng bị hủy đã khiến cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều tác động lớn nhưng báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang có khả năng thanh toán gốc và lãi cho các chủ trái phiếu”, ông Hà nêu.

Cũng theo ông Hà, Chính phủ lại đang xem xét để sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Những nội dung và điều chỉnh của Nghị định sắp ban hành này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường trái phiếu trong thời gian tới trong đó có trái phiếu về bất động sản.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo nếu trái phiếu doanh nghiệp đến hạn mà không trả được nợ sẽ gây thiệt hại cho các chủ thể trên thị trường trái phiếu và làm xáo trộn cân đối vốn của nền kinh tế.

“Hiện tại, nhà đầu tư nắm khư khư tiền trong tay, không dám cho vay; doanh nghiệp cũng không dám phát hành trái phiếu vì lo bị thanh tra, bị hủy phát hành nếu có sai phạm. Chúng ta buộc phải có phương án, nếu không sẽ làm thị trường tài chính náo loạn”, ông Thịnh nói.

Lam Thanh