Tướng Mỹ: Cần tập trung bảo vệ vệ tinh trước vũ khí hủy diệt của Trung Quốc và Nga
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:00, 16/09/2022
"Trung Quốc và Nga đã và đang đầu tư rất nhiều vào nỗ lực làm suy giảm và phá hủy khả năng không gian của chúng ta”, ông Saltzman - người được Tổng thống Joe Biden lựa chọn để trở thành chỉ huy tiếp theo của Lực lượng không gian Mỹ, phát biểu trong một phiên điều trần trước quốc hội hôm 13.9.
Ông Saltzman đã chỉ ra rằng Nga bắn một tên lửa diệt vệ tinh bay thẳng vào không gian vào tháng 11.2021. Mục tiêu là Kosmos 1408, một vệ tinh tình báo mà Liên Xô đã phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp vào năm 1982.
Mục đích của Moscow là kiểm tra khả năng hạ gục các vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ trong một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai bởi hệ thống này rất quan trọng đối với việc điều hướng và điều phối nhiều khí tài quân sự của Mỹ. Một khi GPS bị gián đoạn sẽ dẫn đến việc máy bay, tàu và xe tăng không thể liên lạc, ưu thế quân sự của Mỹ so với các đối thủ như Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ giảm đáng kể.
Việc tàu Kosmos 1408 bị phá hủy đã tạo ra hơn 1.600 mảnh vụn không gian, buộc phi hành đoàn của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải trú ẩn trong các khoang thoát hiểm. Trong không gian, ngay cả những mảnh vụn nhỏ cũng có thể làm xuyên thủng các công trình và làm hỏng một vệ tinh đắt tiền.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã tiến hành một vụ thử tên lửa chống vệ tinh vào năm 2007, phá hủy một trong những vệ tinh của chính họ. Năm ngoái, Stephen Whiting, chỉ huy Bộ Chỉ huy tác chiến không gian của Lực lượng không gian Mỹ, nói với quốc hội rằng cơ quan này đang liên tục theo dõi khoảng 3.000 mảnh vỡ từ các cuộc thử nghiệm “tiêu diệt vệ tinh” của Nga và Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên điều trần hôm 13.9, trung tướng Saltzman nhận định các vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Moscow và Bắc Kinh hiện là "điều nguy hiểm nhất đối với khả năng không gian của Mỹ”.
Ông Saltzman đề nghị Washington phải ưu tiên phát triển các cụm vệ tinh có liên kết chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo khả năng di chuyển linh hoạt bởi các “mục tiêu đơn lẻ dễ bị tấn công nhiều hơn”. "Chúng ta phải tăng cường khả năng bảo vệ hệ thống liên lạc qua vệ tinh”, ông nói.
Cựu trung tướng Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản Jun Nagashima đang công tác tại Học viện Quốc phòng Nhật Bản, cho rằng các lực lượng quân đội hiện đại cần xử lý nhiều thông tin hơn trước, bao gồm cả phân tích thông tin tình báo truyền từ vệ tinh.
“Khối lượng lớn các thông tin quan trọng cần được xử lý hiệu quả và được truyền tải chính xác với tốc độ cao. Không gian sẽ là trung tâm cho các hệ thống thông tin được kết nối với nhau như vậy, bởi nó ít rào cản vật lý hơn nhiều so với liên lạc trên mặt đất. Nếu GPS bị loại bỏ, nó sẽ tương đương với việc một người mất thị lực”, ông Nagashima nói.
Cũng tại phiên điều trần hôm 13.9, các thành viên của Ủy ban Dịch vụ vũ trang của thượng viện nói việc Washington ưu tiên thiết lập ưu thế trên không hoặc kiểm soát trên biển thay vì tập trung vào không gian thời gian qua đã dẫn tới hệ quả là việc Mỹ đang bị các đối thủ khác bắt kịp về công nghệ không gian. Họ cho rằng vấn đề then chốt trong các cuộc chiến trong tương lai là kiểm soát không gian.
"Trải qua một thập niên, vị trí dẫn đầu trong không gian của Mỹ đang bị lung lay. Song hầu hết mọi người không nhận ra điều đó", thành viên cấp cao của ủy ban, Thượng nghị sĩ James Inhofe cho biết.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Angus King cũng đã chất vấn trung tướng Chance Saltzman về việc liệu quân đội Mỹ có đủ khả năng triển khai và hành động mà không cần GPS khi bị đối thủ đánh chặn.
"Tôi nghe nói rằng quân đội đang dạy cách điều hướng liên lạc, xác định vị trí một cách thủ công bằng thiên văn học. Tôi chắc chắn chúng ta phải chuẩn bị cho mọi phương án dự phòng khi xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai”, ông King nói.
Được biết, dẫn đường thiên văn (celestial navigation) hay còn gọi là điều hướng thiên thể là một phương pháp xác định vị trí và dẫn đường dựa vào các thiên thể cố định như Mặt trời, Mặt trăng. Phương pháp này đã biến mất khỏi chương trình giảng dạy của quân đội Mỹ từ năm 2006. Nhưng vào năm 2015, chương trình lại được đưa trở lại giảng dạy lại do lo ngại rằng Trung Quốc có thể tìm cách hạ gục hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Các học viện quân sự của Mỹ cũng đã bắt đầu dạy cách sử dụng công cụ sextant để tính toán vị trí phục vụ cho phương pháp điều hướng thiên thể nói trên.
"Là một nhà hoạch định quân sự. Công việc của chúng tôi là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Vì vậy, tôi đồng ý rằng chúng ta luôn cần phải lên kế hoạch cho những trường hợp bất thường xảy ra hoặc khi mọi thứ không có sẵn”, Saltzman trả lời.
Vào tháng 4, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh cấm tự nguyện đối với các hệ thống tên lửa diệt vệ tinh bay thẳng. Cuối tháng này, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi một lệnh cấm quốc tế.
“Vệ tinh không được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công. Chúng thường có trọng lượng nhẹ và cực kỳ dễ bị hư hại. Vấn đề này không chỉ nên giới hạn ở Mỹ, Trung Quốc và Nga mà tất cả các quốc gia hưởng lợi từ không gian phải chung tay ngăn chặn các vụ thử vũ khí diệt vệ tinh. Các quy tắc mới cần được thiết lập về việc sử dụng không gian một cách an toàn”, chuyên gia Nagashima tại Học viện Quốc phòng Nhật Bản cho hay.