Đức nhận chỉ trích vì không giữ lời hứa viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Chuyển động - Ngày đăng : 08:52, 17/09/2022
“Vài tín hiệu đáng thất vọng từ Đức trong khi Ukraine cần Leopard và Marder ngay bây giờ để giải phóng người dân. Không có đến một lý do hợp lý giải thích vì sao những vũ khí này không được cung cấp mà chỉ toàn nỗi sợ cùng lời bào chữa mơ hồ. Berlin đang sợ điều gì?”, Ngoại trưởng Kuleba viết trên Twitter vào ngày 13.9.
Dòng tweet chất vấn trên được đưa ra lúc Ukraine đang tổ chức phản công Nga ở cả phía nam lẫn phía đông bắc đất nước. Kyiv hiện chủ yếu dựa vào vũ khí phương Tây để chiến đấu, nhiều nước thành viên NATO đã viện trợ lượng lớn khí tài.
Vào tháng 4, Đức cam kết viện trợ xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder thông qua kế hoạch hoán đổi. Một số nước thành viên NATO chẳng hạn như Ba Lan hay Slovakia trao số xe tăng cũ thời Liên Xô (ví dụ Leopard 1) mà họ sở hữu cho Ukraine, sau đó Berlin bù đắp cho họ lượng xe tăng tương đương nhưng hiện đại hơn (Leopard 2).
Thời điểm đó Đức lập luận rằng nên viện trợ vũ khí cũ mà Ukraine có thể sử dụng ngay lập tức. Nhưng kế hoạch hoán đổi đến nay chưa thành hiện thực, Đức phải đối mặt với chỉ trích từ cả trong lẫn ngoài nước.
Yuriy Sak - cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov - ngày 14.9 cho biết Kyiv không thể hiểu nổi tâm lý chần chừ của Berlin trong viện trợ vũ khí đủ sức quyết định tình hình chiến sự.
“Rất khó biết được họ nghĩ gì. Những gì Đức tuyên bố trong 7 tháng qua không khớp với hành động. Thật đáng thất vọng, có thời điểm họ cam kết cung cấp số xe tăng đó (Leopard) – đem lại hy vọng và lời hứa mà chúng tôi luôn mong đợi”, cố vấn Sak phát biểu.
Ông nói thêm: “Nếu họ sợ tấn công hạt nhân hoặc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể dẫn đến thảm kịch, đó là một tình huống khác. Nhưng với tình hình trên chiến trường hiện tại, chúng tôi không hiểu tư duy của họ là gì. Nó có thể là trò chơi chính trị nội bộ”.
Tuy nhiên theo giới phân tích, Đức không đáng nhận phải chỉ trích kịch liệt. Về viện trợ vũ khí cho Ukraine thì Berlin chỉ đứng sau Mỹ và Anh mà thôi.
Hai nhà phân tích Stijn Mitzer và Joost Oliemans chỉ ra rằng tính đến nay Đức đã cung cấp nhiều hệ thống súng phòng không tự hành Gepard, tên lửa đất đối không di động MANPADS, pháo, vũ khí chống tăng, pháo, vũ khí chống tăng cùng hàng trăm phương tiện, hàng triệu quả đạn, thiết bị quân sự như ống nhòm.
Chỉ là với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, Đức lại quyết định chậm chạp. Theo hai nhà phân tích Mitzer và Oliemans: “Mặc dù ban đầu rất hứa hẹn, nhưng kế hoạch hoán đổi lại không đáp ứng được mong đợi của các quốc gia. Họ muốn nhận về nhiều hệ thống vũ khí hiện đại hơn số lượng Đức có thể hoặc sẵn sàng cung cấp”.
Sức ép lên Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày càng lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đầu tuần bác bỏ khả năng đẩy mạnh cung cấp khí tài, lấy lý do kho khí tài nước này cạn kiệt sau nhiều năm không đầu tư đúng mức.
Thủ tướng Scholz bảo vệ cách tiếp cận thận trọng hiện tại. Ông khẳng định số khí tài Đức viện trợ trước đó đang giúp Ukraine tiến hành phản công.