Thiếu hụt chip toàn cầu tàn phá các ngành sản xuất, đặc biệt là công nghiệp ô tô

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:59, 17/09/2022

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Dự đoán, tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.

Thiếu chip ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nghiệp ô tô

Sáng ngày 17.9, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) cho rằng các chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất và công nghệ, thủ tục, quy trình pháp lý minh bạch và giảm rào cản thị trường là ba bước quan trọng mà Chính phủ có thể thực hiện khi các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu mà nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng (khi bị thiếu hụt nguồn cung ứng).

Trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip điện tử, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.

Trước những cơ hội và thách thức do tình trạng thiếu chip gây ra, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip (ví dụ: các hỗ trợ về vốn tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Mỹ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip), áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực đó.

Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.

sin.jpg
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) kiến nghị nhiều vấn đề

Ngoài ra, doanh nghiệp Singapore cũng đề xuất việc cải cách và việc làm rõ các quy định pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh đối với đầu tư và thương mại, chuỗi cung ứng và kỹ thuật số.

“Thời hạn xin cấp Giấy phép kinh doanh kéo dài, thủ tục và thời gian xin cấp Giấy phép kinh doanh gây ra nhiều phiền toái và lãng phí thời gian. Thông thường, cần nộp và bổ sung rất nhiều lần cho các câu hỏi của Bộ Công Thương và Sở Công Thương. Việc này có thể kéo dài từ 4 đến 12 tháng”, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam nêu và kiến nghị Chính phủ xem xét và ban hành các quy định nhằm rút ngắn thời hạn xin phê duyệt từ Bộ Công Thương và Sở Công Thương.

Việt Nam ưu tiên thu hút lĩnh vực công nghệ cao

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Theo ông Dũng, trong giai đoạn vừa qua, khi dịch COVID diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho hay tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, các khó khăn thách thức hiện hữu chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ tại một số ngành và địa phương; cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ; và còn hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi chính sách, việc triển khai còn thiếu thống nhất ở một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Tuy nhiên, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Ông Dũng cho hay Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

sin-2.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Bộ KH-ĐT đề nghị các cơ quan liên quan chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Theo đó, các địa phương cần phải đồng hành, vào cuộc cùng doanh nghiệp để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; thúc đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung cho những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng để ưu tiên thu hút.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; chung tay, chung sức đồng lòng, vì một trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau”, Thủ tướng phát biểu và cho hay các bên sẽ hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Lam Thanh