Mỹ và Trung Quốc ‘thi’ đưa người lên Mặt Trăng và lập căn cứ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:03, 17/09/2022

Chương trình không gian của Trung Quốc đang phát triển, NASA phải nỗ lực quay lại không gian vào thời điểm Mỹ - Trung đều muốn lập căn cứ đầu tiên có người ở trên Mặt Trăng.

Cuộc đua này giống như cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô vốn từng dẫn đến cuộc đua lên Mặt Trăng hồi những năm 1960. Thế nhưng kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn Liên Xô nhiều lần và đã phát triển công nghệ phức tạp hơn Liên Xô từng làm.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hiện đang chờ thời hạn mới để thực hiện Sứ mệnh Artemis 1, tức phóng thử phi thuyền không người lái Orion lên Mặt Trăng bằng tên lửa đẩy Hệ thống Phóng Vũ trụ (SLS, viết tắt của Space Launch Systems) từ một bệ phóng của Trung tâm Không gian Kennedy ở căn cứ không quân Cape Canaveral.

Kế hoạch phóng đã phải hoãn lần 1 hôm 29.8, do những vấn đề kỹ thuật xuất hiện vào phút 40 trong quá trình đếm ngược, gồm cảm biến nhiệt bị lỗi, vết nứt trong thùng chứa nhiên liệu tầng lõi của SLS, và hoãn lần 2 hôm 2.9, sau khi các kỹ thuật viên phải cố gắng khắc phục sự cố rò rỉ khí hydro lỏng (để làm mát động cơ) được bơm vào thùng nhiên liệu.

NASA đặt mục tiêu sẽ đưa con người trở lại Mặt Trăng bằng tên lửa đẩy SLS vào năm 2024 hoặc 2025, hoàn tất một chương trình tốn hơn 93 tỉ USD trong hơn 10 năm làm việc.

NASA dự tính một phụ nữ da màu sẽ là nhà phi hành Mỹ đầu tiên trở lại “thăm chị Hằng”, kể từ chuyến bay Apollo đầu tiên đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng năm 1969.

Đây là một phần trong Chương trình Artemis của NASA nhằm thiết lập một căn cứ trên Mặt Trăng. Căn cứ này sẽ được người Mỹ sử dụng như một bước đệm cho các chuyến du hành xa hơn trong vũ trụ, gồm cả đưa người lên sao Hỏa.

NASA nói các kinh nghiệm thu được từ việc trở lại Mặt Trăng sẽ có ích cho giai đoạn kế tiếp là phi thuyền có người lái bay đến Sao Hỏa.

rocket-sls-ap-2(1).jpeg
Tàu vũ trụ Orion và tên lửa SLS trên bệ phóng - Ảnh: AP

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc quân sự hóa Mặt Trăng

Trong khi đó, chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc còn kém xa Mỹ những một thế hệ. Thế nhưng chương trình bí mật và có tính đến khả năng quân sự của Trung Quốc đang phát triển nhanh, tạo ra nhiều sứ mệnh nổi trội vốn có thể đưa Bắc Kinh lên vai trò hàng đầu trong lĩnh vực bay vào không gian.

Trung Quốc hiện đã có xe tự hành Chúc Dung trên Sao Hỏa, nơi cũng đang có có xe tự hành Perseverance của NASA.

Trung Quốc đã công bố một chương trình Mặt Trăng đầy tham vọng, bao gồm một hệ thống phát hiện và làm chệch hướng các tiểu hành tinh có khả năng tác động vào Trái đất.

Bắc Kinh đặt mục tiêu trong thập niên này sẽ cử phi hành gia lên Mặt Trăng và lập một trạm nghiên cứu tự hành ở đó.

Trung Quốc và Mỹ đều muốn lập căn cứ cho người ở thường xuyên ở bán cầu nam của Mặt Trăng, nơi hoàn toàn trong bóng tối của hành tinh này.

Nga đã tham gia chương trình thám hiểm - khai thác Mặt Trăng của Trung Quốc, trong khi 21 nước khác tham gia một nỗ lực do Mỹ khởi xướng, nhằm đưa ra những hướng dẫn và trật tự trong việc khai thác dân sự và phát triển không gian.

Các nỗ lực kép này được bày ra, 50 năm sau ngày các nhà phi hành Mỹ đóng cửa phi thuyền Apollo và rời khỏi bề mặt Mặt Trăng hồi tháng 12.1972.

Nga và Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch thiết lập một căn cứ chung vĩnh viễn trên Mặt Trăng vào năm 2027. Nếu thành công, điều này có nghĩa những đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ có thể gây tổn hại đến lợi ích của nước này.

Các cơ quan tình báo, quân đội và giới lãnh đạo chính trị Mỹ đều đã nói rõ, rằng chương trình không gian của Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức chiến lược cho Mỹ, với Trung Quốc đã nhanh chóng ngang bằng những thành tựu của Mỹ về quân và dân sự hóa không gian, và Trung Quốc cũng đạt những thành tựu riêng.

Sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc và Nga trên Mặt Trăng có thể được xem là dấu hiệu của quân sự hóa.

Về mặt quân sự, Mỹ - Trung cáo buộc nhau vũ khí hóa không gian. Các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cảnh báo Nga và Trung Quốc đang xây dựng các khả năng xóa sổ những hệ thống vệ tinh hỗ trợ các mạng lưới tình báo, liên lạc quân sự và cảnh báo sớm của Mỹ.

Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng cho rằng không thể đảm bảo an ninh quốc gia, nếu một cường quốc đánh bại Mỹ trong không gian.

Hoạt động quân sự của bất cứ quốc gia nào trên không hoặc trong quỹ đạo thấp của Trái Đất đều đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Đây là lý do tại sao sứ mệnh Artemis thành công sẽ rất quan trọng với Mỹ. Về bản chất, Artemis không phải là chương trình quân sự, nhưng các quy trình được phát triển cho sứ mệnh có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết các kế hoạch Mặt Trăng của họ hoàn toàn là hòa bình và khoa học, nhưng ít quốc gia nào tin lời hứa này.

rocket-than-chau-ap.jpeg
Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc - Ảnh: AP

Có triển vọng mở mảng du lịch lên Mặt Trăng

Trong cuộc chạy đua vào không gian cũng có yếu tố dân sự. Mỹ cảnh giác khả năng Trung Quốc dẫn đầu trong việc thám hiểm không gian và khai thác thương mại, và việc đi đầu về công nghệ và các phát kiến khoa học sẽ giúp Trung Quốc trở thành một thế lực trên không gian cũng như có thêm sự tự hào ở Trái Đất.

Một số chuyên gia chính sách không gian không cho rằng đang có một cuộc chạy đua lên không gian mới, vì họ cho rằng có những khác biệt so với nỗ lực của cố Tổng thống Mỹ John Kennedy là tung ra Sứ mệnh Apollo để không thua kém chương trình Sputnik của Liên Xô, và Mỹ phải là quốc gia đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng.

Còn bây giờ, cả Mỹ và Trung Quốc đều xem các chương trình Mặt Trăng là một nền móng đầu tiên của các kế hoạch theo từng giai đoạn thám hiểm - ổn định và rồi khai thác các tài nguyên, các cơ hội kinh tế và chiến lược có từ Mặt Trăng, Sao Hỏa và không gian nói chung.

Ngoài những lợi ích về công nghệ, khoa học và việc làm có từ chương trình không gian, người ủng hộ Sứ mệnh Artemis đưa người trở lại Mặt Trăng đã chỉ ra tiềm năng khai thác các mỏ khoáng sản và nước đóng băng trên hành tinh này (có thể tái tạo nguồn nước để làm nhiên liệu cho tàu vũ trụ), hoặc sử dụng Mặt Trăng làm một căn cứ để thăm dò các hành tinh khác. Còn phải kể đến triển vọng mở mảng du lịch lên Mặt Trăng và các nỗ lực thương mại khác.

Hiện nay, riêng Mỹ có hàng chục ngàn vệ tinh trong không gian, tham gia “nền kinh tế không gian toàn cầu trị giá nửa ngàn tỉ USD”, theo cách gọi của Lực lượng Không gian Mỹ (Space Force).

Số vệ tinh đó được dùng vào việc định vị, mua sắm điện tử, duy trì hoạt động của máy truyền hình, phát thanh và điện thoại di động và dự báo thời tiết. Chúng cũng bảo đảm khả năng của quân đội và tình báo Mỹ trong việc giám sát các mối đe dọa đã được phát hiện.

Và trong một thế giới mà Nga và Trung Quốc hợp tác để vượt qua Mỹ trong cuộc đua vào không gian, và vào lúc các nỗ lực khai thác không gian tư nhân (do các tỷ phú Mỹ dẫn đầu) đã khiến không còn cần đến các tên lửa tốn nhiều tiền của NASA nữa, Mỹ sẽ phải tiếc nếu từ bỏ vinh quang và những ưu thế chiến lược có từ sự khai thác Mặt Trăng và không gian, theo nhận định của những người ủng hộ Sứ mệnh Artemis.

Ông Aaron Bateman, một giáo sư sử học và các vấn đề quốc tế ở Đại học George Washington, nói: “Chương trình Artemis phát thông điệp không gian đang trở thành một đấu trường trên mặt trận uy tín, giới thiệu các tri thức và kỹ thuật tiên tiến, và rồi trên cả mặt trận quân sự”.

Ông Bateman còn là một thành viên Viện Chính sách Không gian Mỹ, nhấn mạnh rằng người ủng hộ Sứ mệnh Artemis và người xem đó là một công cụ cạnh tranh đều muốn Mỹ có thể ngồi vào bàn định hình tương lai của hoạt động khai thác các hành tinh khác.

Tranh đua lên không gian chỉ giống thi tài Olympic ?

“Không thiếu những cảnh báo về việc Trung Quốc nỗ lực ngang bằng hoặc hơn Mỹ trong lĩnh vực không gian để giành ưu thế về quân sự, kinh tế và uy tín mà Mỹ từng có từ vai trò dẫn đầu ở lĩnh vực này”, là cảnh báo năm 2022 của giới tình báo Mỹ trong báo cáo hàng năm về các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt.

Một nhóm nghiên cứu do Lầu Năm Góc đặt hàng đã kết luận hồi tháng 8: “Trung Quốc xem ra đang trên đà qua mặt Mỹ để trở thành một thế lực không gian mạnh mẽ kể từ năm 2045”.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới đây, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe thuộc đảng Cộng hòa nói: “Trong 10 năm nữa thôi, Mỹ sẽ mất ngôi đầu về không gian để trở thành một trong hai nước cùng trong một cuộc cạnh tranh. Mà mọi thứ quân đội chúng ta làm đều dựa vào không gian”.

Tại một cuộc giải trình khác hồi năm ngoái, giám đốc NASA Bill Nelson trưng một ảnh do xe tự hành Chúc Dung của Trung Quốc từ bề mặt sao Hỏa gởi về Trái Đất, rồi ông nói: “Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm cho người đổ bộ lện Mặt Trăng. Điều đó nhắc chúng ta phải biết nên làm gì sau một thời gian dài lười biếng”.

Theo Thượng nghị sĩ Chris Coons của đảng Dân chủ và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cuộc chạy đua không gian giữa Mỹ và Trung Quốc không nhất thiết phải là một điều xấu.

Ông nói: “Chắc chắn là sự tranh đua với Trung Quốc sẽ là mối quan tâm lâu dài trong chương trình không gian của chúng ta. Nhưng tôi không nghĩ nhất thiết cuộc tranh đua này sẽ dẫn đến xung đột. Tôi nghĩ nó có thể là một cuộc thi Olympic, với nghĩa đơn gian là mỗi đội và mỗi bên đều cố gắng đẩy lên cao hơn và nhanh hơn, mà kết quả là loài người sẽ có lợi”.

Bảo Vĩnh