Xe buýt kết nối với sân bay phải có làn đường riêng để thuận tiện hơn cho hành khách

Sự kiện - Ngày đăng : 15:29, 18/09/2022

Tại sao xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa thu hút hành khách dù các phương tiện đều được đầu tư mới, chất lượng tốt, giá vé rất rẻ so với loại hình taxi, xe công nghệ?

Hiện nay, xe buýt sân bay có 3 tuyến gồm: tuyến số 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất); tuyến 721 (sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe Vũng Tàu) và tuyến 109 (Bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất). Ngành giao thông TP phối hợp với đơn vị quản lý sân bay tăng tần suất xe buýt và kéo dài thời gian hoạt động từ 5 giờ 30-23 giờ 45 mỗi ngày.

Từ ngày 13.9, có 3 tuyến xe buýt đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, gồm: 109 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe khách Sài Gòn ), 152 (sân bay Tân Sơn Nhất - Khu dân cư Trung Sơn) và 721 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu). Hai tuyến xe buýt 109 và 721 không có trợ giá, nên giá vé cao hơn tuyến 152.

tac-tsn-7863(6).jpeg
Sự hỗn loạn giữa các phương tiện giao thông tại sân bay TSN - Ảnh: TNO

Để giúp hành khách thuận tiện khi đi xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất, trong nhà ga, các đơn vị vận hành xe buýt có lắp bảng chỉ dẫn, hướng khách đến điểm đón xe trên làn đường B.

Cụ thể, từ ô B06 đến B09, xe buýt 152 và 721 xe đón khách; xe buýt 109 sẽ đón khách từ ô B17 đến B20.

Tại ô xe buýt đón khách, đơn vị khai thác có bố trí nhân viên hướng dẫn. Hai tuyến xe buýt 109 và 152 có lộ trình gần giống nhau, xuất phát tại sân bay cùng một thời gian, cách 20 phút/chuyến, thấp điểm có khoảng 30 phút/chuyến.

Tuy nhiên, một hành khách than phiền, "Hiện nay, chỉ có 3 tuyến xe buýt. Nếu hành khách từ máy bay đi theo 3 tuyến này thì bắt buộc phải sử dụng thêm từ 1 đến 3 tuyến nhánh nữa để về đến nhà. Chưa kể khi đến sân bay vào thời điểm ban đêm thì các tuyến xe buýt khác ở TP tạm ngưng hoạt động nữa nên rất bất tiện".

Bên cạnh đó, xe buýt được bố trí dừng đón ở một số ô ở làn B ga quốc nội, xe buýt phải xếp hàng chung với rất nhiều ô tô, hồi lâu mới vào đón khách được. Trong khi khách đứng đợi xe buýt, 2-3 chiếc ô tô 7 chỗ trờ tới chắn ngay trước mặt, tài xế dừng mấy phút để chờ người nhà. Ô tô này đậu kín vào các ô đỗ xe buýt khiến tầm nhìn của người chờ xe buýt cũng bị che khuất.

Như vậy, trạm xe buýt bị dồn xuống cuối làn B, rất xa, không tiện lợi cho hành hành mang theo nhiều vali, hành lý cồng kềnh. Bên cạnh đó, thông tin xe buýt bị hạn chế. Tại khu vực trước cửa nhà ga quốc nội chỉ có các quầy thông tin của xe hợp đồng, xe taxi, không có thông tin của xe buýt nên nhiều người dân không biết đến dịch vụ này.

Ngoài ra, dải phân cách tại làn B nơi xe buýt vào đón khách không mở thường xuyên mà tài xế mỗi lần qua phải xuống mở/đóng "cổng", vô cùng bất tiện.

Cùng với việc lỉnh kỉnh hành lý lại khó khăn trong việc đón xe buýt nên nhiều hành khách ngại chọn phương tiện này. Vị trí đón xe buýt quá xa, người già xách hành lý rất vất vả. Nhiều hành khách mong muốn các đơn vị quản lý có thể tính toán làm làn đường riêng dành cho xe buýt hoặc có thể bố trí cho xe buýt vào sát sảnh ga đến quốc nội (làn A) để khách thuận tiện sử dụng dịch vụ.

1662977014-img8518-1662954881242884545904.jpeg
Tuyến 109 (Bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất)

Theo TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn đô thị TP.HCM, với cách tổ chức như hiện nay, xe buýt trộn lẫn cùng xe cá nhân, thường xuyên ùn tắc, đi/đến không đúng giờ sẽ rất rủi ro cho hành khách. Chưa kể, khách đón xe buýt từ sân bay về cũng bị hạn chế về giờ giấc và muốn về tới nhà có khi phải chuyển nhiều trạm hoặc nhiều loại hình phương tiện.

Vì thế, cần đề án cân đối, toàn diện để giải quyết bài toán này 1 cách tổng thể, biến xe buýt trở thành phương tiện được nhiều người sử dụng. Khi xe buýt được nhiều người dân lựa chọn thì đó sẽ là phương tiện được ưu tiên như taxi hay xe công nghệ hiện nay. Muốn như vậy, hoạt động của xe buýt phải được tổ chức lại hoàn toàn khác. Xe buýt kết nối với sân bay phải có làn đường riêng với số chuyến dày, thuận tiện.

"Ưu tiên cho hoạt động xe buýt tại sân bay là đúng nhưng phải với cách hoạt động khác, không phải hệ thống xe buýt hoạt động như lâu nay", ông Lương Hoài Nam nêu quan điểm.

Về những bất cập của xe buýt tại sân bay, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đang phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị liên quan cố gắng phát triển hơn nữa hệ thống buýt sân bay.

Hiện, Thanh tra giao thông đang phối hợp với lực lượng an ninh sân bay theo dõi, điều tiết ô tô không để ảnh hưởng tới việc đón khách của xe buýt. Phía Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cũng thường xuyên ghi nhận thuận lợi và khó khăn của ba tuyến xe buýt ở sân bay và sẽ có đề xuất điều chỉnh kịp thời, hợp lý, thuận lợi cho hành khách.

Sở GTVT cho biết hiện cũng đang triển khai đưa lộ trình của tuyến 103 (bến xe buýt Chợ Lớn - bến xe Ngã Tư Ga) đang hoạt động đi vòng vào sân bay để phục vụ hành khách.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang, đơn vị vận hành khai thác tuyến xe buýt 109 (Bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất) cho biết, những ngày đầu hoạt động, tuyến 109 nhận được sự ủng hộ, góp ý tích cực từ người dân.

Xe buýt sân bay đang gặp khó khăn trong quá trình đón khách tại sân bay. Những ngày đầu hoạt động, tuyến 109 nhận được sự ủng hộ, góp ý tích cực từ người dân. Tuy nhiên, xe buýt chỉ có 3 phút dừng là quá ít, không đủ để đón khách lên xe. Làn B rất đông ô tô, khách khó tiếp cận xe buýt.

Tôi đề xuất có làn đường riêng cho xe buýt hoặc tăng thời gian dừng chờ của xe buýt. Chúng tôi mong Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tạo điều kiện để đơn vị đầu tư một khu vực tiếp nhận, có ghế chờ cho khách ngồi.

Tú Viên