Hungary sắp thông qua đạo luật chống tham nhũng để kết thúc xung đột với EU

Chuyển động - Ngày đăng : 18:35, 18/09/2022

Chính quyền Hungary trong vài ngày tới sẽ thông qua đạo luật chống tham nhũng nhằm chấm dứt bất đồng với Liên minh châu Âu (EU).

Văn phòng Thủ tướng Viktor Orban cho biết trong tuần sau, đạo luật chống tham nhũng mới sẽ được trình quốc hội Hungary, và nếu các nghị sĩ thông qua, luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 11.2022.

Các biện pháp sẽ gồm lập một ủy ban chống tham nhũng độc lập nhằm giám sát nguồn ngân sách mà EU cấp cho Hungary, cùng các bước khác để bảo đảm công tác thầu hợp đồng công của chính phủ trở nên minh bạch hơn.

Chánh văn phòng Gergely Gulyas nói tại cuộc họp báo hôm 17.9: “Chính phủ đã đồng ý với các yêu cầu của Ủy ban châu Âu, hoặc nếu có những lĩnh vực mà chúng tôi không thể chấp thuận, chúng tôi sẽ cố gắng đạt đến một thỏa thuận nhằm thỏa mãn cả hai bên”.

Tuyên bố trên vào lúc Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan điều hành EU) sắp xem xét số phận nguồn tiền 22 tỉ euro mà EU cấp cho Hungary trong kế hoạch ngân sách 2021-2027 của EU.

Hungary cũng được cấp 5,8 tỉ euro từ quỹ phục hồi sau dịch COVID-19 của EU, nhưng Brussels chưa duyệt kế hoạch của chính phủ Orban về cách chi nguồn tiền này.

Thủ tướng Orban hiện phải chịu sức ép phục hồi nền kinh tế suy yếu, vào lúc Hungary đối mặt tình trạng lạm phát tăng nhanh và nội tệ bị mất giá.

Các nguồn tiền cấp cho Hungary hiện đang bị “đóng băng” do EU cáo buộc chính phủ Hungary tham nhũng và gia đình trị, xem thường luật pháp và dùng tiền EU cấp cho các dự án phát triển của Hungary để làm giàu cho người thân, thông qua các hợp đồng chính phủ.

Trong khi chưa thể rõ Hungary sẽ bị mất bao nhiều tiền do EU cấp, nhưng sự cắt phần chia 22 tỉ euro cho Hungary sẽ có thể tác động đến 70 % nguồn kinh phí cấp cho vài chương trình của nước này, theo báo cáo nội bộ hồi tháng 7 của Ủy viên Tài chính EU Johannes Hahn.

Báo cáo này cũng chỉ ra những bất thường trong quy trình đấu thầu hợp đồng công ở Hungary vốn “làm tăng khả năng trúng thầu cho các công ty có quan hệ chính trị”.

tura-castle-ap-3.jpeg
Thủ tướng Viktor Orban - Ảnh: PA

Hệ thống rút ruột công quỹ vươn vòi đến cấp cao nhất của chính phủ

Phe chỉ trích Thủ tướng Orban từ nhiều năm qua đã cáo buộc ông và chính quyền tham nhũng, theo chủ nghĩa gia đình trị, ưu ái người thân.

Nghị sĩ độc lập Akos Hadhazy dẫn chứng, sự ưu ái người thân là con rể Thủ tướng Orban đang sở hữu lâu đài Tura xây từ thế kỷ 19, nơi mà ngôi sao ca nhạc Justin Bieber hồi tháng 8 đã mở tiệc linh đình, sau một buổi biểu diễn ở Liên hoan Sziget của Hungary

Con rể của ông là Istvan Tiborcz, người giàu thứ 36 ở Hungary trong năm nay, theo phân tích của Forbes Hungary.

Cơ quan Chống Tham nhũng châu Âu phát hiện nhiều bất thường nghiêm trọng từ việc chính phủ Orban trao những gói thầu cho công ty của Tiborcz.

Sau cuộc điều tra của cơ quan này, EU đòi trả lại số tiền hơn 40 triệu euro là tiền dân Hungary đóng thuế. Nhưng chính quyền Hungary sau đó đã hủy cuộc điều tra vụ việc này, với lý do thiếu bằng chứng phạm pháp.

Nghị sĩ Hadhazy từng là thành viên đảng cầm quyền Liên minh Công dân Hungary (Fidesz) của Thủ tướng Orban, nhưng ông rời bỏ đảng này sau khi cho rằng Fidesz là “một hệ thống tham nhũng không bị kiểm soát, có mục tiêu chính là chiếm đoạt tiền EU càng nhiều càng tốt”.

Ông Hadhazy nói hệ thống này “vươn vòi tới quan chức cấp cao nhất của chính phủ”, và những doanh nhân, quan chức tham nhũng được "ăn sung mặc sướng" ở lâu đài.

Và “qui trình” trao thầu không minh bạch đã cho phép chính phủ Orban “tuồn” rất nhiều tiền của EU cho các doanh nghiệp của người thân hoặc những doanh nhân “có quan hệ rộng” với giới chính khách.

Từ đó, ông Hadhazy trở thành một “chiến binh” chống tham nhũng ở Hungary, mở cuộc điều tra và tư liệu hóa hàng trăm vụ nghi tham nhũng.

Hôm 14.9, ông Hadhazy mượn xe của mẹ để đi điều tra một khu đất gần thủ đô Budapest mà chính phủ nói khu đất này sẽ xây văn phòng lưu trữ các dữ liệu tối quan trọng của đất nước. Nguồn kinh phí xây dựng 50 triệu euro do EU cấp đã được trao cho công ty của một người bạn thời bé của Thủ tướng.

tura-castle-ap-2(1).jpeg
Nghị sĩ độc lập Hadhazy chụp ảnh vị trí xây kho dữ liệu quốc gia - Ảnh: AP

Công trình xây dựng này đã được bắt đầu từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2017. Nhưng khi ông Hadhazy đến đây hôm 14.9, công trình chỉ có những khối bê-tông. Theo ông, đó là dấu hiệu lạm dụng công quỹ.

Ông Hadhazy nói thay vì có nhiều công ty tranh thầu, thì “toàn bộ qui trình đấu thầu chỉ là trò hề, ngay từ đầu đã biết ai sẽ thắng thầu”.

Thủ tướng Orban đã bác bỏ các cáo buộc. 

EU bắt đầu cứng rắn với chính phủ Hungary

Từ lâu, EU đã kêu gọi Hungary phải tổ chức đấu thầu hợp đồng công minh bạch, công khai.

Theo Cơ quan Chống Tham nhũng châu Âu, Hungary là nước thành viên có nhiều bất thường nhất về cách chi tiền do EU cấp từ năm 2015 đến 2019.

Reuters dẫn lời hai quan chức EU cho biết, trong tuần tới, EC sẽ lại đề xuất tiếp tục “đóng băng” nguồn tiền cấp cho Hungary, và đó sẽ là động thái đầu tiên chống lại Thủ tướng Orban.

Theo AP, vì lo ngại tình trạng tham nhũng cao và vi phạm luật pháp, có thể EU sẽ có những biện pháp trừng phạt tài chính đối với Hungary.

Peter Kreko, chủ nhiệm tổ chức nghiên cứu Political Capital ở Hungary, nghi ngờ  chính phủ Orban không nghiêm túc trong việc chống tham nhũng.

Ông nhận định, EU đã có thái độ cứng rắn với chính phủ Orban, sau nhiều biện pháp kỷ luật vẫn không thể buộc ông Orban tuân thủ các giá trị của khối.

“Ngày càng có nhiều thành viên EC và EU biết rõ những chiến thuật giả bộ đàm phán của Hungary, cũng như hiểu rõ bản chất chế độ chính trị Hungary”, ông Kreko nói với AP.

Các nghị sĩ EU hiện đang gây sức ép, để EC phải thực thi luật chống tham nhũng, thực thi pháp luật và cắt nguồn tiền cấp cho Hunggary. Trong một nghị quyết hôm 15.9.

Nghị quyết này chỉ mang tính biểu tượng, và không thay đổi quá trình ra quyết định của EU. Quá trình này đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 27 nước thành viên EU gồm Hungary, để thông qua lập trường về các vấn đề lớn, chẳng hạn các trừng phạt áp lên Nga.

Ông Orban bác bỏ nghị quyết, nói cuộc bỏ phiếu này là “trò đùa”, khẳng định quan điểm bảo thủ của chính phủ ông là lý do để EU có lập trường cứng rắn.

Ông Orban nắm quyền lực hồi năm 2010 đến nay, là nhà lãnh đạo lâu năm nhất trong khối EU. Chính phủ của ông theo Chủ nghĩa dân túy và Chủ nghĩa dân tộc. Thủ tướng Hungary cũng là người duy trì quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Năm 2021, chính phủ Hungary từ chối không tham gia Cơ quan Công tố châu Âu, một cơ quan EU độc lập có nhiệm vụ chống phá các tội phạm ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính của cả khối. Hungary nói sự tham gia cơ quan này đồng nghĩa với việc mất chủ quyền quốc gia.

Bảo Vĩnh