Vị ngọt Cam sành Vĩnh Long
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 23:31, 18/09/2022
Về Tam Bình vào lúc này, nhiều điểm làm cây giống cam sành hoạt động nhộn nhịp. Tại cơ sở cây giống của anh Lê Hùng Minh ở xã Tường Lộc gần 10 nhân công đang khẩn trương làm việc. Các công việc như giâm cây, ghép mắt, vô bầu tất cả làm theo công đoạn. Tiền nhân công mỗi ngày 200.000 đồng/người, chủ lo cơm ngày ba bữa. Anh Lê Hùng Minh, một người chủ cơ sở sản xuất cây giống xuất thân từ một nông dân trồng cam. Vừa làm việc, vừa trả lời phỏng vấn, anh Minh bộc bạch: “Nghề làm cây giống này cực lắm. Càng đắt hàng càng vất vả. Trong 3 năm qua, mỗi năm tôi sản xuất 300.000-400.000 cây giống. Ba cơ sở sản xuất cây giống của tôi có hàng bao nhiêu không đủ cung ứng cho thị trường”.
Không chỉ ở Tam Bình, Trà Ôn hút hàng, nhiều cơ sở sản xuất cây giống ở Vĩnh Long, Bến Tre cũng cạn nguồn cung cây giống cam sành.
Ông Nguyễn Trí Nghiệp, một chủ cơ sở sản xuất cây giống hợp tác với Trường đại học Cửu Long cho biết: “Cây giống cam sành bây giờ hút hàng vô cùng. Do người dân ĐBSCL phát triển cây cam sành rầm rộ. Những cơ sở cây giống có thương hiệu ở Vĩnh Long, Bến Tre hiện nay sản xuất hết năng lực cũng không đủ cung cho người trồng”.
Cây giống cam sành, loại cao 15-30cm, trồng xuống liếp được, giá 13.000-15.000đồng/cây. Giá này cao gấp 2 lần so với 2 năm trước nhưng không phải mua thì có liền. Muốn có phải đặt hàng 3-6 tháng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người trồng cam sành kết hợp với làm cây giống ở xã Tường Lộc cho biết: “Vùng này người ta không trồng lúa, lên liếp trồng cam sành hết rồi. Xe cơ giới hiện nay về Tam Bình làm không kịp, do người dân thuê xe lên liếp để trồng cam sành quá nhiều. Một công đất (1.000m2) lên liếp thuê nhân công phải tốn 5 triệu đồng, tuy nhiên, xe cuốc làm chỉ từ 2,5 đến 2,8 triệu đồng. Anh Hoàng không giấu niềm vui khi trồng cam trúng mùa liên tiếp: “Trước đây tôi có 2 ha cam sành cho trái. Nay do trúng mùa, làm cây giống có lời, vay tiền ngân hàng đầu tư, tôi thuê 10 ha đất để trồng cam sành. Giá cam sành trung bình 10.000 đồng/kg người trồng cam đã có lời. Thế nhưng, trong 2 năm qua giá cam sành dao động từ 13.000-20.000 đồng/kg. Chính vì trồng cam thắng lớn trong khi nhiều loại trái cây khác bị bầm dập vì dịch bệnh nên dân đổ xô trồng cam sành".
Bà Trần Thị Nỉ, một người trồng 3 ha cam sành cho trái ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn cho biết, với người trồng cam, 3 năm qua là thời gian nếm vị ngọt cam sành. Thấy cam sành lên giá tốt khi “trúng mùa, trúng giá” cũng ham nhưng cũng lo. Sợ giá sụt giảm rồi mất lợi nhuận bởi ai cũng đua nhau trồng cam sành.
Ở Vĩnh Long, cam sành trồng trên đất ruộng chiếm trên 80% diện tích. Tập trung nhiều nhất ở huyện Trà Ôn hơn 7.500 ha, Tam Bình hơn 4.500 ha, Vũng Liêm hơn 3.000 ha. Năng suất cam sành đạt cao nhất từ năm thứ 3 đến năm thứ 5, bình quân từ 20-22 tấn/ha mỗi vụ. Với giá cam sành trung bình 13.000 đồng/kg, tổng doanh thu 1 ha trung bình hơn 1 tỉ đồng/năm (lợi nhận khoảng 50%). Vụ nghịch doanh thu cao hơn vụ thuận khoảng 20%.
Theo Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích cam sành toàn tỉnh khoảng 17.000 ha. Trong đó có 15.000 ha đang cho trái. Sản lượng cam sành thu hoạch đạt hơn 650.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, diện tích cam sành trồng mới trên địa bàn tỉnh ước khoảng 1.500 ha. Cam sành Vĩnh Long chủ yếu tiêu thụ nội địa. Thị trường miền Bắc, miền Trung và TP.HCM là 3 nơi tiêu thụ chính. Ngoài ra, có thông tin thị trường Campuchia cũng có “ăn hàng” cam sành nhưng số lượng không nhiều.
Sở dĩ nông dân Vĩnh Long trồng cam sành nhiều vì nhu cầu tiêu thụ trái cây này trên thị trường khá lớn. Lợi nhuận của người trồng cam sành rất hấp dẫn. Tuy nhiên, cam sành không xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa, đây là vấn đề cần cảnh báo. Nếu mọi người đua nhau trồng cam sành có thể đến lúc thị trường mất thăng bằng cung cầu. Vì Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang đều là xứ sở cam sành. Ai dám chắc nông dân sẽ không nếm vị cam đắng của cam sành (?).