Bị khởi tố vì sử dụng sai mục đích tiền vay ngân hàng, chuyên gia pháp lý nói gì?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:59, 19/09/2022
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên xác nhận vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thành Hiếu, sinh năm 1978 – Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Sản xuất Xây dựng Hiếu Anh (Công ty Hiếu Anh), địa chỉ trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP.HCM về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 179 BLHS năm 1999.
Theo cơ quan công an, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông thổ sản An Bình (Công ty An Bình) ký kết các hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Yên (BIDV Phú Yên), có cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm khoản vay, trong đó thế chấp 08 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng Nguyễn Thành Hiếu. Đến tháng 12.2009, Công ty An Bình mất khả năng thanh toán số tiền gốc và lãi còn lại, hàng hóa cầm cố không còn tồn kho, tài sản thế chấp không đủ pháp lý phát mãi thu hồi nợ, Công ty An Bình tự tan rã.
Để thu hồi số nợ trên, BIDV Phú Yên đã tiến hành làm việc với Hiếu và đại diện Công ty An Bình đối chiếu công nợ giữa Công ty An Bình với Công ty Hiếu Anh, xác định Công ty Hiếu Anh còn nợ tiền nên Hiếu đồng ý trả nợ cho BIDV Phú Yên thay Công ty An Bình.
Ngày 6.1.2010 và ngày 16.3.2010, BIDV Phú Yên đã ký 2 hợp đồng tín dụng cho Công ty Hiếu Anh vay tổng số tiền 40.000.000.000 đồng. Mặc dù Hiếu biết rõ phần lớn tiền vay tại 2 hợp đồng này được sử dụng để trả nợ thay Công ty An Bình, nên phương án kinh doanh không khả thi, không đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn nhưng Hiếu vẫn thống nhất cùng với cán bộ, lãnh đạo BIDV Phú Yên lập hồ sơ vay nhằm giúp BIDV Phú Yên thu hồi nợ của Công ty An Bình số tiền 30.081.000.000 đồng, số tiền giải ngân còn lại Hiếu rút sử dụng không đúng theo theo phương án kinh doanh đã đăng ký vay và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Thực tế, vấn đề sử dụng sai mục đích nguồn tiền, gây mất vốn có thể bị xử lý về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, nhưng nhiều doanh nghiệp không chú ý kỹ, bởi vì họ nghĩ tiền của mình thì thích sử dụng thế nào là do mình.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng đây là vấn đề nhiều người ít quan tâm, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi vay vốn ngân hàng, huy động vốn dưới hình thức trái phiếu, vay dân sự, vay ngân hàng.
“Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng tiền đã chuyển vào tài khoản, thuộc quyền quản lý của mình thì thích sử dụng thế nào là do mình quyết định, miễn sao trả tiền lãi, gốc đúng hạn. Xuất phát từ suy nghĩ này mà nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách, thủ đoạn, kể cả hứa hẹn, làm giả các phương án vay vốn để huy động, vay vốn và phát hành trái phiếu. Điều này hết sức nguy hiểm, tạo rủi ro cho các doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói.
Vậy tại sao lại phải quy định về mục đích nguồn tiền? Luật sư Hùng cho rằng đây gần như là quy định bắt buộc cho tất cả các khoản vay tín dụng, trái phiếu và cả các khoản vay dân sự.
Theo đó, đánh giá từ mục đích sử dụng nguồn tiền người cho vay sẽ nắm được kế hoạch đầu tư, kinh doanh, hiệu quả hoạt động kinh doanh, tính thanh khoản, nguồn trả nợ của doanh nghiệp và các tài sản đảm bảo trả nợ. Người dân, nhà đầu tư, bên cung cấp tín dụng tin tưởng chính vào mục đích sử dụng nguồn vốn/phương án kinh doanh mới đồng ý cho vay, mua trái phiếu.
Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp lấy được nguồn vốn, thay vì thực hiện đúng cam kết của mình, đưa nguồn vốn/dòng tiền vào đúng dự án, mục đích kinh doanh đã cam kết. Các doanh nghiệp hay bổ sung đưa vào nguồn vốn chung của công ty, thực hiện trả nợ hoặc sử dụng vào mục đích khác, thậm chí rút tiền mặt ra để sử dụng.
“Tình trạng lợi dụng vay tiền, phát hành trái phiếu sau đó sử dụng mục đích khác diễn ra rất phổ biến. nhà đầu tư, bên cho vay rất khó có thể kiểm soát, kiểm tra được tình hình sử dụng nguồn vốn, nhiều khi chỉ dựa vào Báo cáo tài chính chung của công ty”, ông Hùng nói.
Thông thường, theo ông Hùng, nếu kiểm tra kỹ tiến độ thực hiện dự án, việc giải ngân dòng tiền và báo cáo tài chính là biết ngay việc sử dụng nguồn tiền/dòng tiền có đúng mục đích hay không? Nhất là các công ty hay "rút tiền mặt" ra để sử dụng thì việc để thất thoát vốn là rất lớn. Chỉ khi doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc hoặc không trả thì các nhà đầu tư, cá nhân, đơn vị tín dụng mới biết rằng vốn đầu tư của mình bị sử dụng trái mục đích, gây thất thoát, bị chiếm dụng vốn và sử dụng sai mục đích dòng tiền.
Luật sư này cho rằng nếu doanh nghiệp sử dụng sai mục đích dòng tiền, gây thất thoát, mất vốn thì thỏa mãn dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
“Với quy định này ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ chữ "tín" và thực hiện đúng các cam kết của mình trong việc sử dụng đúng mục đích nguồn tiền/dòng tiền vay. Nếu doanh nghiệp cứ lạm dụng, vi phạm quy định về sử dụng sai mục đích dòng tiền/nguồn tiền thì trong thời gian tới việc xử lý trách nhiệm hình sự là cần thiết để đảm bảo tuân thủ pháp luật, quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư, người dân, đơn vị cung cấp tín dụng”, ông Hùng nói.