Lao động nhập cư giữa lúc kinh tế Trung Quốc khó khăn
Quốc tế - Ngày đăng : 11:56, 19/09/2022
Nhà máy công ty Koppo chuyên sản xuất tai nghe Bluetooth cho các thương hiệu nước ngoài đóng cửa vào tháng 7 sau khi đơn hàng giảm thảm hại. Nhiều đơn vị sản xuất quần áo, giày dép cũng không thể trụ lại vì lý do tương tự. Ngay cả công ty Alco - một trong số đơn vị sản xuất hàng điện tử thành công của Đông Quản - cũng vừa chấm dứt 36 năm hoạt động.
Vào thời huy hoàng Alco tuyển dụng đến hàng chục nghìn lao động. Vậy mà nay nhà máy trống trơn.
Trước khi đóng cửa, Alco cho biết đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm ăn, gây ra thua lỗ nghiêm trọng và khiến hoạt động không bền vững.
Lối vào nhà máy từng sản xuất hàng bán khắp thế giới dán văn bàn khẩn cầu công ty gửi đến chính quyền địa phương, xin cho hàng chục lao động chưa tìm được việc mới ở lại ký túc xá nhân viên.
Chưa rõ nhà máy có tìm được chủ mới hay không, nhưng bất cứ đơn vị nào mua lại cũng phải đối mặt với triển vọng kinh doanh rất u ám: xuất khẩu đóng vai trò động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc trong hai năm qua đang yếu đi.
Tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 (vốn là tháng bận rộn vì nhu cầu hàng chuẩn bị cho dịp Giáng sinh) chỉ có 7,1% – giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên trong hơn hai năm, xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc sụt giảm.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) giảm từ 50,4 tháng 7 xuống 49.5 tháng 8 – thấp hơn mức kỳ vọng 50,2. PMI trên 50 báo hiệu ngành sản xuất mở rộng, ngược lại dưới 50 là thu hẹp.
Các đơn vị sản xuất cắt giảm việc làm tháng thứ 5 liên tiếp để hạ chi phí làm tăng thêm nỗi lo về thị trường lao động yếu kém vốn đang tạo sức ép lên tiêu dùng. Họ cũng giảm mua nguyên vật liệu do có ít đơn hàng mới hơn.
“Đội quân” 280 triệu lao động nhập cư cảm nhận rõ ảnh hưởng. Anh Cai Bao (đến từ tỉnh Hồ Bắc) cho biết lao động ít chịu chi tiêu hay chuyển sang nhà máy khác hơn vì các công ty tạm ngừng tuyển dụng và phong tỏa khiến việc di chuyển rủi ro hơn.
“Ngay cả khi thu nhập thấp hơn đầu năm, nhiều nhà máy nghỉ lễ và chỉ trả mức lương tối thiểu, lao động cũng không dám rời đi”, theo Cai.
Ít việc làm hơn và lương thấp hơn trong ngành sản xuất có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế sang lấy tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng mà Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện.
Vài năm qua Cai làm việc cho một công ty Mỹ chuyên sản xuất hóa chất. Công việc buộc anh phải mặc quần áo bảo hộ và đeo mặt nạ phòng độc trong thời gian dài, tiếp xúc hóa chất độc hại ở nhiệt độ cao, nhưng đổi lại là mức lương mỗi tháng lên đến 8.000 Nhân dân tệ (1.139 USD).
Việc làm nguy hiểm cho phép Cai mua được ô tô. Một số đồng nghiệp của anh còn mua được nhà ở thành phố nhỏ.
Tháng 6 vừa qua, công ty cắt giảm ca làm việc ban ngày vì đơn hàng giảm, chỉ làm ca đêm nhằm hạ chi phí dùng điện.
Cai cho biết: “Hiện vẫn còn 70 lao động, nhưng thu nhập của chúng tôi đã giảm gần một nửa. Có tin đồn nhà máy sẽ dời khỏi Quảng Đông. Người nói là chuyển đến tỉnh khác, người nói chuyển đến Đông Nam Á”.
Không chỉ nhà máy mà cả công ty tuyển lao động, cửa hàng, quán ăn cũng lụi tàn. Wang Ying - chủ một cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Đông Quản - cho biết: “Các nhà máy trước đây thường dùng lao động thời vụ hoặc lao động do công ty tuyển lao động cung cấp, không ký hợp đồng trực tiếp với nhà máy. Nhưng giờ họ không tạm không tuyển nữa. Xưởng nằm trước cửa hàng của tôi trước đây có hơn 1.000 lao động sản xuất dụng cụ câu cá xuất đi nước ngoài. Đầu năm nay xưởng đóng cửa, ba nhà máy mới quy mô nhỏ hơn chuyển đến, tổng số lao động chưa tới 300 người”.