Tàu cá ở Cà Mau 'khát' nhiên liệu phải nằm bờ, ngư dân 'khó chồng khó'

Sự kiện - Ngày đăng : 18:37, 19/09/2022

Hiện đang bước vào mùa cao điểm đánh bắt nhưng nhiều chủ tàu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không thể mua được nhiên liệu để ra khơi. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu trên địa bàn đang tác động không nhỏ đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Dự kiến ngày 18.8 âm lịch, ông Huỳnh Thành Tâm (ngụ khóm 2, thị trấn Sông Đốc) sẽ cho tàu ra khơi, nhưng đến nay đã quá thời gian trên mà tàu của ông vẫn phải neo bờ.

Ông Tâm cho biết: “Trước đó, phía đại lý xăng dầu có báo cho tôi là nhiên liệu khan hiếm và cho biết là do nguồn cung ở tuyến trên về chậm. Việc tàu neo đậu trong bờ khiến tôi rơi vào tình thế rất khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch đánh bắt và các bạn tàu cũng không có việc làm. Mong rằng phía ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ để những người làm nghề đi biển như tôi có thể vươn khơi thuận lợi, an tâm bám biển”.

Tương tự, ông Phan Văn Sơn, chủ một tàu cá khác ở thị trấn Sông Đốc đang cần hơn 5.000 lít dầu để ra khơi nhưng vẫn chưa có. Hiện lương thực, nước đá, muối và bạn tàu đã được ông Sơn chuẩn bị sẵn sàng nhưng phải neo đậu để chờ dầu. Ông Sơn đang đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng chục triệu đồng.

“Các điều kiện cần thiết cho một chuyến đi biển như đồ tươi, đồ khô, bạn tàu... tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Riêng chỉ thiếu nguồn nhiên liệu nên tôi chưa thể ra khơi đánh bắt. Tình trạng thiếu nhiên liệu cứ kéo dài thế này rất dễ lỗ vốn, kéo theo bạn tàu bỏ đi nơi khác, tôi có thể rơi vào tình thế phá sản”.

bien-1.jpg
Nhiều tàu cá ở Cà Mau không thể ra khơi đánh bắt vì thiếu nhiên liệu

Nhiều chủ tàu trên địa bàn thị trấn Sông Đốc cũng dự đoán được giá xăng dầu sẽ giảm ở những ngày cận kề ra khơi. Tuy nhiên, do lo sợ thiếu nguồn cung nên họ đã đặt cọc trước ở các cửa hàng và chấp nhận chịu lỗ hàng chục triệu đồng do giá xăng, dầu giảm ở kỳ điều chỉnh ngày 12.9 vừa qua.

Tuy nhiên, việc giá xăng dầu liên tục biến động và tình trạng thiếu nguồn cung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, nhất là đánh bắt xa bờ.

Ông Huỳnh Thanh Bình, ngụ thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Mấy tháng qua, tàu cá của tôi hoạt động không có lãi. Trước đó, do giá nhiên liệu tăng nhưng lượng thủy sản khai thác bán ra lại không tăng khiến tôi lỗ hàng trăm triệu đồng”.

Theo ông Bình, gia đình ông sống dựa vào nghề đi biển nên dù nhiên liệu có tăng giá thì vẫn phải ra khơi, lời lỗ tính sau. Mỗi chuyến đi biển, ông chỉ mong sao được trúng mùa. Hiện tại ông Bình chỉ mong ngành chức năng có các chính sách can thiệp, hỗ trợ những người đi biển, giúp họ đảm bảo được nguồn nhiên liệu mà an tâm vươn khơi đánh bắt.

Theo thông tin từ UBND thị trấn Sông Đốc, địa phương hiện có trên 1.350 tàu cá, ước lượng xăng, dầu sử dụng mỗi chuyến biển là khoảng 6,5 triệu lít. Tuy nhiên, hiện nay lượng xăng, dầu tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng.

Hiện ngư dân đang vào mùa khai thác, nếu tình trạng xăng dầu tiếp tục khan hiếm thì không chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với chủ tàu, mà còn có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp thủy hải sản của tỉnh Cà Mau. Do đó, ngư dân đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và biện pháp tháo gỡ khó khăn từ các đơn vị có liên quan. 

bien-2.jpg
Các tàu cá đều cần một lượng lớn dầu để vươn khơi trong vài ngày

Do tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu hết sức khó khăn và cấp thiết, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ trưởng Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo có giải pháp điều hành giảm giá dầu diesel, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hạ chi phí sản xuất, nếu giá dầu tăng cao thì người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, tàu thuyền không thể duy trì hoạt động đánh bắt, khai thác biển phải nằm bờ...

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối có giải pháp kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối, cũng như cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu, đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu thị trường nội địa ổn định, thông suốt.

Trường hợp giá dầu diesel tiếp tục tăng cao trong các kỳ điều hành giá tiếp theo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT, Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu tăng cao như ngư dân, nông dân... và các đối tượng chịu tác động trực tiếp khác.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau