Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến ra sao khi mùa đông tới?

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:34, 20/09/2022

Chỉ mới vài tuần trước, cuộc chiến tại Ukraine có vẻ như sẽ “đóng băng” vào những tháng mùa đông khắc nghiệt và hai bên khó đạt được bước tiến đáng kể nào.

Dự đoán nhanh chóng thay đổi với đợt phản công của quân đội Ukraine ở vùng Kharkiv. Phía quân Nga nay phải tính toán cần dùng lực lượng gì và triển khai tại đâu để giành lại thế chủ động. Điện Kremlin đứng trước lựa chọn khó khăn: có nên kêu gọi tổng động viên để bổ sung binh lính hay không và làm thế nào kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Ngoài chiến trường, Nga cũng cần suy tính nên dùng “vũ khí” nguồn cung khí đốt cho châu Âu đến mức nào khi chính quyền các nước lục địa già nỗ lực thoát phụ thuộc năng lượng Nga. Một điều đáng quan ngại nữa là dấu hiệu ủng hộ từ Trung Quốc suy giảm.

Tình hình chiến sự thay đổi

Đợt phản công của quân đội Ukraine trên khắp Kharkiv cùng một số khu vực miền nam khiến Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga phải lựa chọn ưu tiên mặt trận nào, liệu có nên nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu kiểm soát Donetsk và Luhansk (tạo nên vùng Donbas) hay không. Quân Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.

Kiểm soát Donetsk là mục tiêu khó. Bảy tháng chiến sự phơi bày hạn chế về hậu cần của Nga, công tác này sẽ càng trở nên khó khăn trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và lạnh giá mùa đông. Chỉ trong vài ngày Nga mất đi một trong ba mũi tiến công Donetsk, hai mũi còn lại không đạt tiến triển đáng kể gì từ cuối tháng 6 đến nay.

Lực lượng Nga ở Kherson cũng chịu sức ép ngày càng lớn mặc dù đã được tăng cường, vì Ukraine cắt đứt đường tiếp tế qua sông Dnipro và nhắm vào hàng loạt sở chỉ huy cùng kho đạn dược.

Phía Ukraine cũng mất hàng nghìn binh lính, trong đó có nhiều đơn vị tốt nhất ở Donbas. Một quan chức NATO nhận xét đợt phản công mới nhất là sự kiện làm tăng sĩ khí “khó xảy ra lần hai”.

Lực lượng pháo binh và tên lửa Nga vẫn đông đảo hơn Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin cuối tuần trước thừa nhận chiến dịch quân sự ở Donbas diễn tiến chậm, nhưng vẫn tiếp tục và quân Nga sẽ chiếm được vùng lãnh thổ mới.

20220718-us-ukraine-weapons-1-nyt-ac.jpg
Đợt phản công của Ukraine được đánh giá thành công - Ảnh: The New York Times

Đợt phản công đem lại hy vọng cho Ukraine

Cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeu đánh giá Ukraine có thể giải phóng phần lãnh thổ mà quân Nga chiếm đóng từ tháng 2, thậm chí lấy lại Crimea và Donbas nhờ lực lượng phản kháng tại chỗ. Nhưng mục tiêu này đòi hỏi một cuộc chiến cam go, đường tiếp tế sẽ bị kéo dài, các lực lượng tinh nhuệ bị phân tán. Hệ quả là quân Ukraine dễ bị phản công.

Thắng bại trên chiến trường còn phụ thuộc vào nguồn cung khí tài từ phương Tây. Vài cuộc họp thời gian tới sẽ xác định kế hoạch viện trợ tiếp theo, trong bối cảnh kho khí tài nhiều nước cạn kiệt dần.

Mỹ còn lo ngại Ukraine dùng vũ khí được viện trợ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga, nên chần chừ chưa chịu gửi vũ khí có tầm bắn hơn 80 km.

Một số quan chức phương Tây lưu ý đến rủi ro những diễn biến trên chiến trường gần đây thúc đẩy Nga phản ứng mạnh hơn - đặc biệt là nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cựu Phó tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller lo ngại Moscow sẵn sàng làm vậy để khiến Ukraine sợ hãi đầu hàng.

Nhưng nhà phân tích Olga Olika thuộc Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) tin rằng Điện Kremlin sẽ không làm leo thang căng thẳng, vì dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt phải nhận lại phản ứng quốc tế mạnh mẽ, trong đó có khả năng NATO can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến.

Theo giới phân tích, sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mang lại lợi ích quân sự hạn chế và quân đội Nga chưa chắc đồng ý sử dụng. Họ còn vũ khí đạn đạo cùng nhiều loại tên lửa khác có thể dùng đến.

Đợt phản công thời gian qua đem lại hy vọng cho Ukraine, có thể khiến phương Tây sẵn sàng viện trợ mạnh mẽ hơn vào những tháng cuối năm bất chấp khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt.

“Vũ khí” khí đốt

Cắt nguồn cung khí đốt là cách Nga đáp trả khi phương Tây viện trợ Ukraine và trừng phạt họ. Hai cây bút phân tích Ivo Daalder và James Lindsay của tạp chí Foreign Affairs nhận định Tổng thống Putin hy vọng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv sẽ sụp đổ vì cái giá phải trả cho chiến tranh quá đắt (thiếu hụt năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng vọt).

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cao gấp hơn 10 lần so với một năm trước, xuất khẩu năng lượng trong 3 tháng đầu xung đột quân sự đem về cho Nga khoảng 1 tỉ USD mỗi ngày. Nền kinh tế Nga khép kín vẫn trụ vững trước trừng phạt.

107040171-1648798026762-gettyimages-1236639061-russia_gas_storage.jpeg
Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu - Ảnh: CNBC

Nhưng mùa đông sẽ là khảo nghiệm với động thái siết nguồn cung năng lượng của Nga. Thay vì nhượng bộ, châu Âu triển khai kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng Nga về dài hạn và tăng chi bảo vệ người tiêu dùng. Các nước lùng sục khắp nơi tìm nguồn cung thay thế.

Giá xăng bán buôn dù vẫn ở mức cao nhưng trong 3 tuần qua đã giảm 1/3, có thể giảm thêm nữa qua đó góp phần làm giảm chi phí trợ cấp của các nước châu Âu.

Lợi ích mà Nga được hưởng từ giá dầu khí cao dường như đã đạt đỉnh. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu Nga vào tháng 2.2023 sẽ giảm 17% so với sản lượng trước khi xung đột, một khi châu Âu áp đặt loạt trừng phạt mới với dầu và sản phẩm từ dầu (có hiệu lực từ tháng 12 năm nay).

Triển vọng đàm phán tối tăm

Hai bên đều phát đi tín hiệu kéo dài cuộc chiến thay vì tìm kiếm triển vọng đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Putin phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước: “Nga sẽ làm mọi thứ để chấm dứt xung đột ở Ukraine càng nhanh càng tốt, nhưng Kyiv từ chối đàm phán. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là giải phóng Donbas, chẳng có gì phải vội vàng cả”.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga thừa nhận Ấn Độ và Trung Quốc đều quan ngại với cuộc chiến. Hai quốc gia châu Á là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga thời gian qua. Họ đều không trực tiếp lên án cuộc chiến cũng như không hưởng ứng trừng phạt phương Tây áp đặt.

Phía Ukraine quyết không đàm phán cho đến lúc lấy lại mọi lãnh thổ bị chiếm đóng. Tổng thống Zelensky từng giận dữ bác bỏ đề nghị ngồi lại thương lượng để tránh làm Nga bẽ mặt do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cùng không ít người đưa ra.

Với tình hình hiện tại, Ukraine càng có ít động lực đàm phán hơn nữa.

Một quan chức NATO nhận định Tổng thống Putin sẽ không đàm phán sớm vì mùa đông là “vũ khí” tốt nhất. Mặc dù vậy, ông Putin có thể phải suy xét lại vào mùa xuân năm sau nếu NATO vẫn đoàn kết trong vấn đề năng lượng của mùa đông và Ukraine tiếp tục chiến đấu.

Cẩm Bình