Hơn 1.000 người mắc bệnh nan y được điều trị thành công nhờ ghép tế bào gốc
Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:19, 20/09/2022
Đó là kết quả thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị các căn bệnh nan y được Trung tâm Y học tái tạo và Trị liệu tế bào của Vinmec công bố vào ngày 20.9.
Theo Trung tâm Y học tái tạo và Trị liệu tế bào của Vinmec, sau 5 năm ứng dụng nghiên cứu trong điều trị, đơn vị này đã áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc mang lại kết quả tích cực cho nhiều căn bệnh nan y như: bại não, tự kỷ, chấn thương tủy sống, xơ gan, phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo đó, có 90% bệnh nhân ghép tế bào gốc chữa thoái hóa khớp đã có những cải thiện đáng kể về khả năng đi lại và giảm đau ở các mức độ khác nhau, 90% ca bệnh tự kỷ có sự thay đổi tích cực, 80% bệnh nhân bại não tiến triển tốt… Phương pháp này đã mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho 1.000 người mắc bệnh nan y, mạn tính.
Bên cạnh việc điều trị tích cực cho các bệnh nan y, liệu pháp tế bào gốc còn cho thấy tiềm năng tạo ra các bước tiến đột phá trong chăm sóc sức khỏe chuyên sâu cá thể hóa, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điển hình là các bệnh lý mạn tính, bệnh lý ở người cao tuổi chưa có phương pháp điều trị tối ưu như: tiểu đường, thoái hóa khớp, suy giảm sức khỏe do tuổi già, suy giảm nội tiết tố nam, nữ.
Riêng ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch tự thân để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân ung thư phổi, ung thư dạ dày… đã giúp tăng thời gian sống và chất lượng sống cho người bệnh.
Việc ứng dụng liệu pháp trên đã đón đầu xu hướng điều trị ung thư đã và đang được ứng dụng rộng rãi tại các nước có nền y học phát triển, mang lại kết quả khả quan cho người bệnh.
Chia sẻ về định hướng phát triển tiếp theo, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Trung tâm Y học tái tạo và Trị liệu tế bào của Vinmec, kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec – chia sẻ, trong thời gian tới, trung tâm này sẽ tiếp tục đồng hành, kết hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu hoàn thành thử nghiệm lâm sàng để xin cấp phép tiến hành thường quy ghép tế bào gốc điều trị các bệnh tự kỷ, bại não, di chứng sau chấn thương sọ não, đột quỵ, đáp ứng mong mỏi của nhiều người bệnh.
Đồng thời, mở rộng nghiên cứu và phát huy tối đa tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc cho các mặt bệnh dựa trên đặc tính và ưu điểm của từng loại tế bào gốc chiết xuất, nhằm nâng cao tỷ lệ thành công và hiệu quả trong điều trị lâm sàng.
“Mục tiêu của chúng tôi trong giai đoạn tới là đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các kỹ thuật về tế bào gốc và công nghệ gene hàng đầu quốc tế tại Việt Nam, với các nghiên cứu như: ứng dụng tế bào gốc trung mô trong điều trị các bệnh lý thần kinh Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não; tiến hành các thử nghiệm dùng tế bào thần kinh biệt hóa từ tế bào gốc vạn năng điều trị các bệnh xơ cột bên tủy sống, Parkinson, chấn thương tủy sống; điều trị ung thư máu bằng ghép tế bào CAR-T hoặc ghép tế bào gốc tạo máu hòa hợp HLA bán phần”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết.