Cuộc sống của người dân Ukraine trong vùng chiến sự qua góc nhìn của nhà báo Úc
Quốc tế - Ngày đăng : 15:57, 20/09/2022
Bên dưới chiếc ghế dài mà Anna và Claudia - hai cư dân Mykolayiv - đang ngồi ngổn ngang những mảnh thủy tinh, mảnh gỗ, mảnh kim loại. Mọi cửa sổ của căn hộ họ sống đều đã bị thổi bay hoặc bị nứt, cửa trước chực chờ rơi xuống.
Tình trạng như vậy chẳng là gì so với căn hộ phía dưới con đường, bị cháy đen do trúng tên lửa hành trình vào tháng 2 khi Nga phát động tấn công Ukraine. Phía trên căn hộ là một khoảng trống hình bán nguyệt như chân người khổng lồ đạp xuống. Đống gạch vụn chặn ngay trước lối vào chính.
Bà Claudia nói: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng điều này có thể xảy ra ở thành phố của tôi. Chính phủ, tất cả chính trị gia đều tuyên bố là không thể xảy ra. Tôi nay đã 72 tuổi, căn hộ tôi ở bị phá hủy mà chẳng có bồi thường gì. Khi mùa đông đến tôi sẽ không có chỗ để ngủ”.
Bà Anna hàng xóm của Claudia nhận xét: “Bây giờ chúng tôi không còn được bảo vệ nữa”.
Từng là trung tâm đóng tàu của Liên Xô cho ra đời nhiều tàu chiến lớn, Mykolayiv bị tàn phá nặng nề vào tháng 3. Nhưng lực lượng bảo vệ thành phố đã đẩy lùi được quân Nga trở lại Kherson.
Cuộc phản công ở miền nam của Ukraine bắt đầu từ giữa tháng 8. Mykolayiv nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự kháng cự quyết liệt. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho biết, 70% tên lửa và pháo Nga nhắm vào mục tiêu phi quân sự như căn hộ dân thường ở nên loạt hạ tầng quan trọng như cầu, trạm điện, tòa thị chính còn nguyên vẹn.
Nhưng thiệt hại kinh tế không hề ít. Tại khu thương mại trung tâm của Mykolayiv, một cửa hàng McDonald’s cho binh lính ăn miễn phí trong vài tuần đầu của cuộc chiến đã đóng cửa, cỏ dại mọc đầy bên ngoài. Vài người đàn ông chưa nhập ngũ lang thang không mục đích, xin chút tiền lẻ từ mọi người.
Giáo viên địa phương Slava Pavlenko cho biết: “Ngay cả trước lúc chiến tranh nổ ra thì tình hình kinh tế đã không tốt. Bây giờ càng tệ hơn, rất nhiều người xin việc, xin tiền trên Facebook vì họ không có thực phẩm”.
Tờ The New York Times cho biết, hơn một nửa dân số Mykolayiv rời khỏi thành phố. Ngày nhà báo Neubauer đến thành phố, thị trưởng Oleksandr Senkevych nói với một đài phát thanh địa phương rằng "ai muốn sống sót thì nên rời khỏi đây".
Cách Mykolayiv khoảng 130km về phía tây là thành phố cảng Odesa có vị trí chiến lược Biển Đen.
Trước lúc chiến tranh nổ ra, đây là điểm xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu chính, đồng thời cũng là điểm đến du lịch. Thành phố đón hơn 3,3 triệu du khách vào năm 2019.
Hiện tại, bờ biển cùng vùng biển quanh Odesa đặt đầy ngư lôi. Một hải cảng nhộn nhịp nay im lìm. Thành phố là nơi Ukraine đặt hệ thống tên lửa R-360 Neptune.
Nga không giấu giếm tham vọng chiếm Odesa. Nhưng hệ thống phòng không dày đặc tại thành phố và lực lượng Nga sa lầy tại Kherson khiến nơi đây thành điểm trú ẩn an toàn cho người tị nạn.
Vào cuối tuần, hàng nghìn người đổ ra bãi biển bất chấp cảnh báo bom mìn. Từng xảy ra vài vụ việc thương tâm. Tuy nhiên đa số chỉ tắm nắng trên lối đi lát đá, uống bia và ăn hải sản trong nhà hàng dọc bờ biển mà thôi.
Lúc nhà báo Neubauer đang tản bộ thì ứng dụng Air Alarm Ukraine gửi cảnh báo tấn công tên lửa. Ông hoảng loạn, nhưng người dân xung quanh vẫn tiếp tục hoạt động của mình. Đây là điều lặp đi lặp lại, thường xuyên tại đây.
Leana Mezinkova, một người dân từ Donetsk sơ tán đến Odesa chia sẻ: “Chúng tôi nghe thấy tiếng bom mỗi ngày. Những âm thanh đó không bao giờ dừng. Ban đầu, tôi lúc nào cũng lo lắng đến không ngủ được. Các con tôi thì không ngừng khóc nhưng rồi phải quen thôi”.
Nghị viên thành phố Peter Obukhov tin rằng Nga không thể chiếm được Odesa. Nhà phân tích quân sự Sergiy Dibro của trang Dumskaya cũng đánh giá mạng lưới phòng thủ quanh thành phố được tổ chức tốt nên khả năng mất Odesa vào tay Nga là không thể.