Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sẽ khởi công trước 30.6.2023

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:48, 20/09/2022

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 15.9.2022 triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1.

Theo đó, Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 cụ thể như sau: Tổ chức, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 12.11.2022 gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, phê duyệt; tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 20.1.2023 và thực hiện các công việc tiếp theo bảo đảm khởi công trước ngày 30.6.2023. Hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn trong năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30.6.2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31.12.2023. 

Để hoàn thành các nhiệm vụ theo mốc thời gian nêu trên, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư) xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết thực hiện bảo đảm hoàn thành các mốc tiến độ theo yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các huyện có dự án đi qua, thông qua Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND tỉnh ban hành; thực hiện lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát,... triển khai đồng thời các công việc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án.

Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo UBND các huyện có dự án đi qua: thành lập Ban Chỉ đạo về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND huyện làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện bố trí đủ nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo tiến độ, đúng quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. 

Sở GTVT kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên tổng hợp, báo cáo định kỳ hằng tháng và đột xuất lên UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời. 

Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường, chất thải rắn; đo đạc, lập, trích lục bản đồ địa chính phục vụ cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất theo quy định…

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25.7.2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I.

Nghị quyết nêu rõ: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (Dự án) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16.6.2022 và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư: Đầu tư khoảng 117,5 km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 21.935 tỉ đồng.