Mỹ bắt buộc các loại xe mới phải gắn máy đo nồng độ cồn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:50, 21/09/2022

Đây là đề xuất của Hiệp hội An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (NSTB) để ngăn người say rượu lái xe.

Đề xuất cả các loại xe mới ở Mỹ phải trang bị hệ thống đo nồng độ cồn qua hơi thở được nêu trong báo cáo của NTSB công bố ngày 20.9.

Nếu đề xuất này được Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) chấp thuận, thì có thể giúp giảm số vụ tai nạn do say rượu, một trong những nguyên nhân hàng đầu về số ca tử vong khi tham gia giao thông ở Mỹ.

NTSB không có chức năng quản lý, chỉ có thể đề nghị các cơ quan khác như NHTSA hành động.

Chủ tịch NTSB Jennifer Homendy cho biết, từ năm 2012, Hiệp hội đã thúc đẩy NHTSA khai thác công nghệ đo nồng độ cồn.

Bà Homendy nói: “Chúng ta cần NHTSA ra tay hành động. Chúng tôi đã ghi nhận số người chết, số vụ tai nạn và cần bảo đảm làm mọi điều để có thể cứu mạng người. Càng chóng áp dụng công nghệ đo nồng độ cồn thì càng có thêm nhiều người được cứu sống”.

my-do-nong-do-con-2.jpg
Lái xe Mỹ được kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Business Insider

Đề xuất của NTSB còn kêu gọi có thêm các hệ thống giám sát hành vi của người lái xe, bảo đảm họ đang tỉnh táo khi cầm lái. Bà Homendy nói, hiện tại có nhiều xe gắn camera hành trình hướng vào tài xế, điều có thể hạn chế sự không tỉnh táo khi lái xe.

Nhưng bà công nhận việc hoàn thiện công nghệ đo nồng độ cồn sẽ mất nhiều thời gian, và NHTSA cũng cần có thời gian để đánh giá công nghệ nào có hiệu quả nhằm hướng tới việc lập một tiêu chuẩn chất lượng của máy đo nồng độ cồn.

Từ năm 2008, NHTSA đã cùng 16 nhà sản xuất xe hơi tài trợ nghiên cứu công nghệ Hệ thống Phát hiện Nồng độ cồn (DADSS) và họ lập tổ chức Hệ thống Phát hiện Rượu cho Người lái xe An toàn.

Tổ chức này còn thuê một công ty Thụy Điển để nghiên cứu một công nghệ đo nồng độ cồn trong máu của người lái xe và dừng phương tiện di chuyển nếu người lái xe không tỉnh táo.

Công nghệ DADSS được cho là sẽ tự động phát hiện người lái xe có nồng độ cồn trong máu bằng hoặc cao hơn 0,08 % (mức giới hạn qui định ở 50 tiểu bang Mỹ) và sau đó vô hiệu hóa chiếc xe.

Phương pháp này không buộc tài xế phải ngậm vào ống đo, và một cảm biến sẽ so sánh lượng phân tử carbon dioxide với các phân tử cồn trong hơi thở tự nhiên của người lái xe.

Một phương pháp khác là công nghệ ánh sáng: dựa vào hệ thống cảm ứng - gắn ở nút khởi động hoặc bánh lái - sẽ đo và phân tích nồng độ cồn trong máu dưới bề mặt da người điều khiển xe bằng cách chiếu sáng hồng ngoại (NIR) qua mao mạch ở đầu ngón tay để đo bước sóng phù hợp nhằm nhận biết nồng độ cồn của người lái xe.

Người phát ngôn Jake McCook của tổ chức trên cho biết, phương pháp 1 có thể đưa vào ứng dụng từ năm 2024, phương pháp 2 từ năm 2025.

Ông McCook nói, sẽ phải mất nhiều năm trước khi công nghệ mới được ứng dụng trên 280 triệu xe tham gia giao thông ở Mỹ.

Trong Luật Cơ sở hạ tầng được thông qua hồi cuối năm 2021, quốc hội Mỹ đã yêu cầu NHTSA buộc các hãng xe gắn hệ thống giám sát nồng độ cồn trong vòng 3 năm.

Luật còn yêu cầu bất kỳ hệ thống giám sát nào cũng đều phải nhanh nhạy và chính xác và “không lộ liễu đối với người lái xe tỉnh táo”.

Cơ quan này có thể xin gia hạn thêm và trong quá khứ, NHTSA chậm đáp ứng các yêu cầu, theo AP.

NHTSA cho biết, số người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ đang ở mức khủng hoảng. Gần 43.000 người chết trong năm 2021 là số tử vong cao nhất từ 16 năm qua tại Mỹ, do người trở lại lái xe sau một thời gian ở yên trong nhà vì dịch COVID-19.

Các ước tính ban đầu cho thấy số người chết vì tai nạn giao thông đang tăng trở lại trong nửa đầu năm 2022, nhưng giảm từ tháng 4 đến tháng 6 và các cơ quan chức năng ở Mỹ hy vọng mức giảm này sẽ tiếp tục kéo dài.

Theo dữ liệu của NHTSA, năm 2020 có 11.654 người chết vì tai nạn có liên quan đến sử dụng chất cồn. Con số này chiếm khoảng 30% số tử vong vì tai nạn giao thông, và tăng 14,5% so với năm 2019.

Bảo Vĩnh