Thiếu đầu tư cho KH-CN, Việt Nam sẽ mắc kẹt trong ‘hố’ năng suất thấp
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:27, 17/05/2019
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18.5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài viết về định hướng, giải pháp tạo đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.
KH-CN Việt Nam còn nhiều bất cập
Theo Thủ tướng, tài nguyên thiên nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu vẫn trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm. Mô hình tăng trưởng nội sinh chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới, sáng tạo; và đã đạt được kết quả tương xứng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng phải nhìn thẳng vào thực tiễn và khó khăn, vướng mắc để thấy rằng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.
Trước hết, đó là nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển khoa học công nghệ;
Đồng thời, khoa học - công nghệ chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Trình độ Khoa học - công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á; vẫn còn ít hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực doanh nghiệp.
“Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công; chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia đối với phát triển kinh tế - xã hội nước nhà”, Thủ tướng nêu.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
“Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Áp dụng mô hình đối tác công - tư PPP
Thủ tướng cho rằng cần phấn đấu đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao; đến 2045 trở thành một quốc gia phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để đạt được mục tiêu này, cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách, để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.
Ngành khoa học và công nghệ cần phối hợp các bộ, ngành, đề xuất chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công; nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.
Đồng thời, phát huy vai trò và tạo cơ chế phù hợp để các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới, sáng tạo; nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế. Cần tạo ra một nguồn lực con người có trình độ và tính sáng tạo cao.
Cùng với đó, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới, sáng tạo; Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.
Theo đó, cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở Khoa học và Công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Lam Thanh