Nga - Mỹ duy trì hợp tác vũ trụ bất chấp cuộc chiến tại Ukraine

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:04, 22/09/2022

Một phi hành gia Mỹ cùng hai phi hành gia Nga được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bằng một chuyến bay do Nga thực hiện, bất chấp căng thẳng song phương leo thang do cuộc chiến tại Ukraine.

Ba phi hành gia Frank Rubio, Sergey Prokopyev, Dmitry Petelin cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan (được Nga thuê) vào ngày 21.9.

Rubio là phi hành gia Mỹ đầu tiên lên ISS bằng tên lửa Nga Soyuz sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động tấn công Ukraine. Vì cuộc chiến, phương Tây dẫn đầu là Mỹ áp đặt rất nhiều trừng phạt khiến quan hệ giữa họ với Nga rơi xuống mức thấp.

Vũ trụ là lĩnh vực may mắn duy trì được hợp tác. Sau chuyến bay ngày 21.9, nữ phi hành gia người Nga Anna Kikina sẽ lên ISS bằng tàu không gian Crew Dragon (SpaceX) vào đầu tháng 10.

Cô là nữ phi hành gia Nga (tính cả thời kỳ Xô viết) thứ 5 lên vũ trụ, người Nga đầu tiên ngồi trên tàu không gian của SpaceX.

Cách đây vài tuần, phi hành gia Rubio tuyên bố chuyến bay ngày 21.9 là sứ mệnh quan trọng và ông đã trở thành bạn tốt của các phi hành Nga. Phi hành gia này khẳng định hợp tác giữa hai cơ quan hàng không vũ trụ NASA với Roscosmos rất tốt đẹp và mạnh mẽ bất chấp căng thẳng gia tăng.

hoiss-7120.jpg
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) - Ảnh: The Drive

Tháng 3 trước, Nga thông báo rút khỏi ISS vào năm 2024. Động thái này không gây ngạc nhiên vì 2024 là năm mà các đối tác đã thống nhất từ trước, mặc dù NASA đặt mục tiêu giữ trạm ISS trên quỹ đạo ít nhất cho đến năm 2030, sau đó chuyển sang dùng một số trạm vũ trụ tư nhân nhỏ hơn.

ISS được phóng vào năm 1998, thời điểm thế giới kỳ vọng Mỹ - Nga hợp tác sau thời kỳ chạy đua lên không gian hồi Chiến tranh lạnh. Từ khi Mỹ dừng chương trình tàu con thoi, trạm không gian này lâu nay dựa vào hệ thống đẩy của Nga để định kỳ duy trì quỹ đạo ở độ cao 400km so với mực nước biển. Phía Mỹ chịu trách nhiệm hệ thống điện cùng hệ thống hỗ trợ sự sống.

Cẩm Bình