Buông Kharkiv, Nga chọn chiêu “phế mã đoạt song xe” với Ukraine

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:55, 22/09/2022

Buông một nửa Kharkiv mà đánh không dễ, thủ không xong thì có thể tạm coi là Nga phế con mã trên bàn cờ. Vậy thì Nga được lợi gì khi dễ dàng buông như vậy?

Cho đến nay, vẫn nhiều người bất ngờ về cách quân đội Nga buông lại khu vực Kharkiv cho quân đội Ukraine. Từ 5.9 cho đến 12.9, Ukraine đã tiến đánh Kharkiv một cách thần tốc mà hầu như không gặp phải kháng cự nào. Tình hình yên tĩnh đến mức,mà tổng thống Volodymyr Zelensky đến thăm thành phố chiến lược Izium hôm 14.9, tức là chỉ 2 ngày sau khi cắm cờ Ukraine lên thành phố chiến lược ở Kharkiv.

Theo lời kể của binh lính Ukraine, lực lượng của Kyiv đã đánh chiếm thành phố Izium mà không gặp sự kháng cự nào từ phía quân Nga. Đặc phái viên RFI Stéphane Siohan tường trình từ Izium cách đây 1 tuần thế này: “Trước sự ngạc nhiên của Sergiy, một lính thuộc lữ đoàn 120 của quân đội Ukraine, thành phố Izium đã thất thủ mà quân Ukraine thậm chí không cần chiến đấu trên đường phố”.

Phía Ukraine tin rằng chiến thuật tài tình của họ đã khiến Nga không kịp trở tay. Từ cuối tháng 8, Bộ chỉ huy miền Nam của Ukraine bắt đầu tung hỏa mù bằng bắt đầu phản công lớn ở Kherson. Trong 2 tuần, lực lượng Ukraine ở phía Nam có đánh chiếm một số ngôi làng quanh Kherson nhưng kết quả này không khác biệt đáng kể so với hồi tháng 7 và 8. Và trong khi Nga tập trung phòng bị tại Kherson, Ukraine đã tiến lên phía bắc giải phóng Kharkiv như vào chỗ không người. Sĩ quan truyền thông cho lữ đoàn Bohun của Lực lượng đặc biệt Ukraine, Taras Berezovets phát biểu: "Nga nghĩ rằng họ sẽ cần ở phía Nam và di chuyển các thiết bị. Sau đó, thay vì ở phía Nam, cuộc tấn công đã xảy ra ở nơi mà họ ít nghĩ tới nhất. Khi mọi người tập trung vào Kherson, người của chúng tôi ở Kharkiv”.

Bộ Quốc phòng Nga giải thích việc rút khỏi Kharkiv là để đảm bảo sự thành công của chiến dịch "giải phóng Donbass". Với việc Ukraine đã tái chiếm Kharkiv, chiến tuyến giờ đây giữa hai bên đã được đẩy tới ranh giới vùng Donbass, nơi Nga đã thiết lập sự kiểm soát vững chắc hơn.

phema.jpg

Trong cờ tướng, có khái niệm phế quân tạo thế rất được hay sử dụng. Trong một thế trận giằng co, có những tình huống cần phải thí một quân trên bàn cờ để giành ưu thế về cục diện. Trong trường hợp này, Kharkiv giống như một quân mã mà sự tồn tại của nó khiến Nga thật sự khó điều binh.

Nhà phân tích người Israel David Gendelman nói với BBC rằng: "Không phải thông tin tình báo đã thất bại - Nga không có đủ binh lính hoặc căn cứ để duy trì ba mặt trận. Bạn không thể chiến đấu ở Donbas, Kharkiv và ở phía nam: điều đó đơn giản là không thể”, đồng thời nhận định tình trạng thiếu lính tham chiến từ lâu đã là một vấn đề của Nga và nước này đang cố gắng hết sức để lấp đầy khoảng trống trong hàng ngũ.

Gendelman nhấn mạnh đến lượng binh sỹ mỏng của Nga ở tiền tuyến: "Ở một số nơi, không có sự hỗ trợ nào phía sau hàng ngũ mỏng manh ở tiền tuyến. Vì vậy, một khi bạn phản công, bạn có thể tiến lên phía trước hai chục km mà hầu như không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Quân đội Ukraine đã tìm thấy một điểm yếu, tập trung lực lượng của họ ở đó và tấn công".

Buông một nửa Kharkiv mà Nga đánh không dễ, thủ không xong thì có thể tạm coi là Moscow phế con mã trên bàn cờ. Vậy thì Nga được lợi gì khi dễ dàng buông như vậy?

Thứ nhất là sắp xếp lại được binh lực để phòng thủ tốt hơn tại Donbass mà suốt tuần qua Ukraine không thể tấn công dễ dàng như trước. Nga coi như đã xong việc “lên tượng, gác sĩ” để tạo thế trận ăn chắc mặc bền khi lực lượng không còn dàn trải nữa.

Thứ hai là giảm áp lực tại miền nam giúp Kherson và Zaporozhye dễ thở để tuyên bố tổ chức trưng cầu sáp nhập với Nga. Nếu sáp nhập thành công Kherson, Zaporozhye cùng với Luhansk và Donetsk thì Nga kéo dài lãnh thổ từ trong nước đến tận bán đảo Crimea. Trên bàn cờ, điều đó chẳng khác nào Nga đoạt được 2 con xe để chuẩn bị cho toan tính tiếp theo.

map.jpg

Thứ ba và quan trọng là cho người Nga thấy sự cần thiết của việc ra lệnh động viên một phần quân đội vì phải có quân thì mới giữ được phòng tuyến. Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu giải thích rằng quân đội bổ sung để kiểm soát chiến tuyến dài 1.000 km với các lực lượng Ukraine và các khu vực do Nga nắm giữ. Theo Shoigu, việc huy động sẽ bao gồm việc huy động khoảng 300.000 quân dự bị, nhưng chỉ hơn 1% khả năng tổng động viên quân đội của Nga.

Tá Nhu