Học phí đại học tăng, học sinh chuyển hướng sang học nghề
Giáo dục - Ngày đăng : 12:40, 22/09/2022
Việc tự chủ đại học (ĐH) đang được coi là xu hướng tất yếu của các trường ĐH, tuy nhiên vấn đề đặt ra là các trường được tự do tăng học phí sẽ tạo áp lực lên người học, giảm đi cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho bạn trẻ. Vậy làm cách nào để dung hòa 2 vấn đề tăng học phí và mối quan tâm của người học?
Tăng học phí liệu có tạo ra khủng hoảng?
Việc hàng loạt các trường ĐH ồ ạt tăng học phí, thậm chí có trường tăng mức kịch trần, khiến phụ huynh và học sinh hết sức băn khoăn để cân nhắc lựa chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có đến gần 30 cơ sở giáo dục ĐH thông báo học phí năm học 2022-2023. Trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều ĐH tăng từ 30-70%. Dù lộ trình tăng đã được báo trước nhưng học phí các trường áp dụng từ năm nay vẫn là một gánh nặng lớn với sinh viên, nhất là các trường được tự chủ tài chính.
Năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng, tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng của năm học 2021-2022. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng, tăng 1,65 lần so với mức 3.025.000 đồng của năm học 2021-2022.
Theo PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay các trường ĐH có thể tăng học phí nhưng điều đó sẽ dẫn đến việc giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên, học sinh khó khăn. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.
Là lãnh đạo một trong những trường ĐH thực hiện tự chủ từ rất sớm, PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng muốn đột phá, cải thiện đời sống cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu thì buộc phải tự chủ. Điều khó khăn nhất khi tự chủ ĐH là thay đổi nhận thức để phát huy được nội lực của từng giảng viên, qua đó thu nhập của trường cũng như của các thầy cô sẽ tăng lên giúp bình ổn cuộc sống và có nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu. Quá trình tự chủ ĐH cũng cần bỏ tư duy bao cấp về học phí.
Theo chuyên gia giáo dục, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, trước đây có 2 lĩnh vực được miễn học phí là y tế và giáo dục. Nhưng nay điều đó không còn nữa khiến rất nhiều học sinh chùn bước khi đăng ký vào các trường có mức học phí đang tăng cao.
"Phụ trách một quỹ học bổng, tôi để ý những năm gần đây, nhiều bạn học sinh nhà nghèo không vào được trường y. Người giỏi mà không vào được ĐH mình mơ ước thì không chỉ thiệt thòi cho bản thân họ mà về lâu dài còn thiệt thòi cho cả xã hội. Các trường cần tính đến phương án những hệ đào tạo chất lượng cao, có khả năng thu tiền thì có thể tuyển đầu vào thấp hơn một chút. Lấy từ nguồn kinh phí này bù lại cho những sinh viên giỏi nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Một trường ĐH mà trông chờ vào sự đóng góp của người học như vậy thì người học lẫn ngành giáo dục đều dễ bị khủng hoảng", ông Tống nhận định.
Một sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Y Hà Nội cho biết giờ không chỉ áp lực học phí mà ngay cả chi phí ăn ở, sinh hoạt ở thành phố trong thời buổi vật giá leo thang cũng khiến sinh viên vô cùng lao đao. Theo tính toán của sinh viên này, tiền giáo trình, dụng cụ học tập là 4-5 triệu đồng/năm, tiền ăn ở sinh hoạt 5 triệu đồng/tháng. Cùng với các chi phí phát sinh khác thì trung bình mỗi tháng gia đình phải chu cấp cho em khoảng 10 triệu đồng.
“Quãng đường học y 6 năm thực sự rất dài. Với mức học phí như vậy cũng khá áp lực cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tăng học phí là tăng gánh nặng của gia đình em”, sinh viên này nói.
Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu, giảng viên tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các trường học cũng tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên người học.
Theo các chuyên gia, các trường tự chủ tài chính cần có cơ chế minh bạch tài chính, bao nhiêu phần trăm học phí trích cho quỹ học bổng cho sinh viên để xã hội có thể giám sát. Đồng thời nên tạo quỹ học bổng mở để thu hút tài trợ giúp sinh viên thêm cơ hội vào ĐH. Cần mở rộng đối tượng gói hỗ trợ vay theo nhu cầu, mức phí vay đáp ứng đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt thực tế ở thành phố lớn.
Các trường nghề thu hút được học sinh
Năm học này sẽ có nhiều thí sinh mặc dù trúng tuyển vào ĐH nhưng lại quyết định học nghề, một phần vì lo sợ thất nghiệp, phần khác do các trường ĐH đồng loạt tăng học phí dẫn đến việc phải chi tiêu cho việc học ĐH là quá cao cho nhiều gia đình, có khi lên tới nửa tỉ đồng cho một khóa học.
Ngành giáo dục đang trên lộ trình điều chỉnh học phí ở mức đúng và đủ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không nên để học phí tăng quá đột biến, gây khó khăn cho người học. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và người học để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng.
Hiện nay, các trường cũng như các địa phương đã thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, giúp nhiều học sinh giỏi, nghèo có cơ hội đi học. Đó cũng là những chuyển biến tích cực để các học sinh nghèo, có cơ hội tiếp cận với các ngành học mà mình yêu thích, đồng thời cũng để các trường có được những sinh viên giỏi thật sự vào trường, cung ứng cho thị trường lao động, cho xã hội những nhân lực có tay nghề. Tuy nhiên, chỉ một trong số ít học sinh được hỗ trợ tốt nhất khi có học bổng, hoặc được vay vốn. Nhiều gia đình, học sinh đã không lựa chọn hình thức học ĐH mà chuyển sang học nghề. Thậm chí có nhiều sinh viên, dù đã học tới năm thứ 2, thứ 3 nhưng do học phí tăng quá cao, chi phí học trở nên quá đắt đỏ đã ngưng giữa chừng và chuyển sang học nghề để giảm áp lực kinh tế cho gia đình.
Trao đổi với phóng viên MTG, em Hà Minh (Trường ĐH Giao thông vận tải, Hà Nội) cho biết bản thân em đang là sinh viên năm thứ 2 nhưng em quyết định nghỉ học và chuyển sang học nghề vì học phí các năm tới khá cao với mức thu nhập của gia đình em.
"Em còn có 2 em dưới em nữa, nếu em vẫn đi học ĐH mà ra trường còn không biết có làm được đúng ngành cơ khí ô tô không. Chính vì thế em đã quyết định chuyển sang học nghề và cũng học nghề cơ khí luôn. Em học được vài tháng cũng được giới thiệu ra các salon ô tô để xem các loại máy móc và được chỉ bảo tận tình. Những tháng hè vừa qua, em không về quê mà ở lại xưởng học nghề luôn, đến nay em đã có tiền lương, đủ để phụ giúp mẹ và nuôi các em. Em không hối hận vì quyết định chuyển hướng của mình", Hà Minh nói.
Trong khi các trường ĐH ồ ạt tăng học phí thì ở nhiều trường trung cấp, trường nghề học phí vẫn được giữ nguyên. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, những năm trở lại đây, các trường nghề đã thu hút được khá nhiều học sinh, thậm chí là sinh viên của các trường ĐH chuyển sang học. Chương trình học nghề đã góp phần không nhỏ đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Theo chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc, hiện nay xu hướng làm việc trong thời đại số hóa đang có sự chuyển mình. Sự phát triển của khoa học - công nghệ, các trang mạng, ứng dụng cũng mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền cho các bạn trẻ. Thay vì mất thêm 4 năm học ĐH, các em đã lựa chọn công việc mình yêu thích và có thể kiếm ra tiền luôn hoặc lựa chọn theo sự phát triển của công nghệ hiện đại theo hướng giải trí. Những công việc mới mẻ này không cần qua trường lớp đào tạo ở ĐH hay học nghề mà các bạn trẻ chỉ cần bắt kịp xu hướng, hiểu biết về công nghệ, ví dụ quay TikTok, làm YouTube...
Chính những điều đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngay ở hệ thống THPT, các trường nên đưa ra những bài học về định hướng nghề nghiệp cụ thể để học sinh có được vốn kiến thức, kỹ năng cụ thể, tự tin hơn khi tham gia thị trường lao động và làm việc hiệu quả hơn, thay vì làm việc theo hướng tự phát.