Instagram bảo vệ người dùng khỏi việc xem ảnh khỏa thân, khiêu dâm không mong muốn
Thế giới số - Ngày đăng : 14:40, 22/09/2022
Instagram đang nỗ lực để bảo vệ người dùng khỏi nhận được những bức ảnh khỏa thân, khiêu dâm không mong muốn trong Direct Message (nhắn tin trực tiếp) của họ. Meta Platforms, công ty mẹ của Instagram, đã xác nhận với trang The Verge rằng tính năng này đang được phát triển sau khi một nhà nghiên cứu ứng dụng công bố hình ảnh ban đầu của công cụ.
Meta Platforms cho biết các tùy chọn kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, sẽ giúp người dùng bảo vệ bản thân khỏi ảnh khỏa thân cũng như các tin nhắn không mong muốn khác.
Gã khổng lồ công nghệ đã ví những tùy chọn này với tính năng Hidden Words (ẩn từ), cho phép người dùng tự động lọc các tin nhắn trực tiếp có chứa nội dung xúc phạm. Theo Meta Platforms, công nghệ này sẽ không cho phép công ty xem các tin nhắn thực tế cũng như chia sẻ chúng với các bên thứ ba.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia để đảm bảo những tính năng mới này bảo vệ quyền riêng tư của mọi người, đồng thời cho phép họ kiểm soát các tin nhắn nhận được”, Liz Fernandez, người phát ngôn của Meta Platforms, thông báo.
Meta Platforms cho biết sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết về tính năng mới trong vài tuần tới khi tiến hành gần hơn đến thử nghiệm.
Một báo cáo được công bố vào đầu năm nay bởi Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số, tổ chức phi lợi nhuận ở Anh, cho thấy rằng các công cụ của Instagram không thể xử lý 90% các tin nhắn trực tiếp lạm dụng dựa trên hình ảnh được gửi đến những phụ nữ nổi tiếng. Nhiều người bị nam giới gửi hình ảnh tình dục và ngay cả tính năng Hidden Words cũng không thể lọc hoàn toàn những từ chửi thề như “b*tch”.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Pew năm ngoái đã công bố một báo cáo cho thấy 33% phụ nữ dưới 35 tuổi từng bị quấy rối tình dục trên mạng.
Tính năng mới của Instagram được đưa ra vì hành vi cyberflashing, liên quan đến việc gửi tin nhắn tình dục không mong muốn cho người lạ (thường là phụ nữ) trực tuyến, có thể sớm trở thành phạm tội hình sự ở Vương quốc Anh nếu Quốc hội thông qua Dự luật An toàn Trực tuyến.
Tuy nhiên, cyberflashing không phải là một tội ở phần lớn nước Mỹ, dù Texas đã coi hành vi này là tội nhẹ vào năm 2019. Trên thực tế, một số chuyên gia tin rằng cyberflashing có thể gây tổn hại về mặt tâm lý giống như lạm dụng tình dục trực tiếp.
Giáo sư Clare McGlynn của Trường Luật Durham, chuyên gia về vấn đề lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh, nói với trang HuffPost: “Một số sẽ tiến tới và nói rằng cyberflashing là vô hại. Nhiều người đều đấu tranh với thực tế là nó không phải kiểu mặt đối mặt, nhưng bạn không thể xếp hạng tội phạm tình dục như vậy. Tác hại của tội phạm tình dục là rất lớn và các hình thức xúc phạm khác nhau có thể có tác động như nhau với những người khác nhau”.
Đầu tháng 9 vừa qua, Ireland đã phạt Instagram số tiền 402 triệu USD sau cuộc điều tra về cách ứng dụng này xử lý dữ liệu của trẻ em.
Người phát ngôn Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) cho biết cơ quan này đã phê chuẩn phạt mức kỷ lục 405 triệu euro (402 triệu USD) với Instagram sau cuộc điều tra về việc xử lý dữ liệu trẻ em. Quan chức này cho biết DPC đã thông qua quyết định cuối cùng, bao gồm cả khoản phạt với Instagram.
Theo hãng tin Reuters, cuộc điều tra Instagram của DPC bắt đầu từ năm 2020, tập trung vào người dùng từ 13 đến 17 tuổi. Nhóm tuổi này được phép lập và vận hành các tài khoản doanh nghiệp trên Instagram, từ đó dẫn đến những thông tin liên hệ như số điện thoại và địa chỉ email cũng được công khai.
Về phần mình, người phát ngôn Meta Platforms cho biết sẽ có kế hoạch kháng cáo để chống lại hình phạt trên. Người này cho biết Instagram đã cập nhật chính sách hơn 1 năm trước và từ đó cung cấp nhiều tính năng mới để giữ an toàn cho trẻ vị thành niên cũng như bảo vệ thông tin của người dùng.
Người phát ngôn Meta Platforms nói rằng Instagram không đồng ý với cách tính toán tiền phạt của DPC và sẽ xem xét kỹ lưỡng quyết định.
DPC cũng chịu trách nhiệm giám sát Facebook, Apple, Google và các tập đoàn công nghệ khác được đặt cơ sở tại Ireland. Ít nhất 6 cuộc điều tra nhằm vào các công ty con của Meta Platforms, gồm cả Facebook và WhatsApp, đang được tiến hành.
Vào năm 2021, WhatsApp đã chịu án phạt 225 triệu euro (223 triệu USD) vì không tuân thủ các quy định dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) năm 2018.