TP.HCM hết vắc xin sởi, DPT đã 5 tháng nhưng Bộ Y tế vẫn “im lặng”

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:15, 22/09/2022

Đã gần 5 tháng trôi qua, Chương trình tiêm chủng Quốc gia không phân bố vắc xin sởi đơn và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho TP.HCM và cũng chưa biết khi nào có, vì cũng chưa nhận được hồi âm.

“Đẩy” trẻ chuyển sang tiêm dịch vụ

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay mỗi tháng, TP cần khoảng 8.000 liều vắc xin sởi và 8.000 liều vắc xin DPT, nhưng đã gần 5 tháng qua, Chương trình tiêm chủng Quốc gia chưa cung ứng cho TP liều vắc xin nào của 2 loại vắc xin trên.

tphcm-het-vac-xin-soi-dpt-da-5-thang-nhung-bo-y-te-van-im-lang-hinh-anh(1).png
Tiêm vắc xin cho trẻ tại TP.HCM - Ảnh: PV

Trong đó, vắc xin sởi đơn (tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi) và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Như vậy, đến thời điểm này, có gần 400.000 trẻ chưa tiêm vắc xin sởi mũi 1 và mũi 2.

Trước tình hình 2 loại vắc xin trên ngưng cung ứng, Sở Y tế đã 3 lần gửi công văn (tháng 6, tháng 8 và tháng 9.2022) báo cáo Bộ Y tế và đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng Quốc gia phân bố kịp thời đủ số lượng cho TP, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được cung cấp vắc xin.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM nói rằng vẫn không biết lý do vì sao 2 loại vắc xin trên đứt hàng và chưa được Chương trình tiêm chủng Quốc gia phân bổ, nhưng Bộ Y tế cũng không trả lời khi nào có, và cách xử lý ra sao.

“Trước đây, cứ mỗi tháng Chương trình tiêm chủng Quốc gia cung ứng cho TP 8.000 liều vắc xin sởi đơn và 8.000 liều vắc xin DPT. Cung ứng tới đâu thì TP tiêm hết đến đó, nhưng từ tháng 5.2022 đến nay đã ngưng cung ứng nhưng không trả lời vì sao”, ông Tâm nói.

Trước thái độ “im lặng” của Bộ Y tế, Sở Y tế đã giải quyết bằng cách “chữa cháy” là “đẩy” những trẻ đáng lẽ ra được hưởng chế độ tiêm chủng mở rộng không tốn tiền sang tiêm dịch vụ.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các trạm y tế phường, xã tư vấn cho phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm chủng cho đúng lịch. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để đảm bảo đúng lịch thì tư vấn cho phụ huynh tiêm dịch vụ vắc xin MMR (sởi – quai bị - rubella) hoặc có thể chỉ định tiêm vắc xin MR (sởi - rubella) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các trạm y tế phường, xã lập danh sách các trẻ đã đủ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng để mời tiêm ngay khi nhận được vắc xin từ Chương trình tiêm chủng Quốc gia.

Nguy cơ dịch sởi bùng phát

Điều đáng lo ngại, vắc xin sởi đơn và vắc xin DPT trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị ngưng cung cấp vào thời điểm năm 2022 có thể sẽ là chu kỳ bùng phát dịch sởi.

Theo Sở Y tế, cứ 4 năm 1 lần thì dịch sởi lại xảy ra theo chu kỳ, gần nhất là các đợt bùng phát dịch sởi vào các năm 2013-2014 và nhất là dịch sởi năm 2018-2019. Như vậy, năm 2022 này rất có thể sẽ là chu kỳ của bùng phát dịch sởi, nhưng lại không có vắc xin sởi.

Theo yêu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi phải đạt ít nhất 95% ở trẻ dưới 1 tuổi để có thể kiểm soát được dịch sởi.

Tuy nhiên, thống kê của Sở Y tế cho thấy đến hết tháng 8.2022, trẻ sinh năm 2020 có tỷ lệ tiêm nhắc sởi mũi 2 (lúc 18 tháng tuổi) chỉ mới đạt 75,3% (thiếu 19,7% so với chỉ tiêu 95%), còn trẻ sinh năm 2019 tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 83,6% (vẫn thiếu 11,4% so với chỉ tiêu 95%). Thêm vào đó, trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2021 vẫn chưa đạt do nguồn vắc xin sởi bị gián đoạn, chỉ mới đạt 79,9% (thiếu 15,1% so với chỉ tiêu đạt 95%).

Trong khi đó, sau 2 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi tại TP là rất thấp, nay lại bị gián đoạn nguồn vắc xin nên nguy cơ xảy ra dịch sởi là rất lớn

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn.

Trước tình hình trên, Sở Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng chung cho các bệnh truyền nhiễm như: thường xuyên rửa sạch bàn tay đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc; giữ nhà cửa thông thoáng…

Hồ Quang