Voi Thái Lan ‘thất nghiệp’, được livestream để sống sót
Du lịch - Ngày đăng : 17:31, 22/09/2022
Trong tình cảnh này, chủ đàn voi nhà phải truyền phát trực tiếp (livestream) hình ảnh các chú voi lên mạng xã hội, nhằm có thu nhập để nuôi người và nuôi voi.
Tại làng Ban Ta Klang ở đông bắc Thái Lan, Siriporn Sapmak vào mỗi sáng đều livestream hai chú voi của cô để kiếm tiền.
Cô gái 23 tuổi đã chăm sóc hai chú voi cưng từ khi cô còn bé, dùng điện thoại để thu hình và cho chúng ăn chuối, dẫn chúng đi quanh nhà.
Siriporn nói cô có thể kiếm 1.000 bath (27, 46 USD) từ những người cho tiền, sau nhiều giờ truyền phát trực tiếp hình ảnh lên TikTok và YouTube. Nhưng số tiền này chỉ đủ nuôi hai chú voi trong chỉ một ngày.
Đấy là một cách tìm thu nhập mới - nhưng không ổn định - của nhiều gia đình Thái Lan nuôi voi phục vụ giải trí ở thành phố du lịch Pattaya, sau khi xảy ra dịch COVID-19. Nguồn thu này nhiều hơn cả tiền có từ bán các loại trái cây.
Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch Thái Lan, buộc các chủ voi phải đưa voi “thất nghiệp” từ các điểm đến du lịch về nhà và tự tìm nguồn tiền nuôi chúng.
Có những ngày Siriporn không được ai cho tiền, nên hai chú voi cũng không được cho ăn.
Cô nói: “Chúng tôi đang hy vọng dòng du khách quay trở lại. Nếu họ trở lại, có lẽ chúng tôi không phải lo những cuộc livestream này nữa. Nếu chúng tôi lại có việc để làm, chúng tôi sẽ có một nguồn thu nhập ổn định để mua cỏ cho voi ăn”.
Các gia đình ở làng Ban Ta Klang, trung tâm phát triển đàn voi nhà ở tỉnh Surin, đã nuôi và thuần hóa voi từ nhiều đời, có sự gắn bó với chúng.
Bà Pensri Sapmak, 60, tuổi, là mẹ của cô Siriporn, nói: “Chúng giống như thành viên trong gia đình. Không có voi, chúng tôi không biết tương lai của chúng tôi sẽ thế nào. Chúng tôi được như ngày nay là nhờ có chúng”.
Theo các cơ quan chức năng, Thái Lan hiện có khoảng từ 3.200 đến 4.000 voi được thuần hóa thành voi nhà, và khoảng 3.500 voi rừng.
Cục Phát triển Chăn nuôi Thái Lan (DLD) là cơ quan giám sát đàn voi nhà, cho biết từ năm 2020, chính phủ nước này đã chuyển 500.000 kg cỏ đến nhiều tỉnh để giúp nuôi đàn voi nhà.
Voi là loài thú đặc trưng của Thái Lan, mỗi ngày ăn từ 150 đến 200 kg cỏ, theo tổ chức bảo tồn môi trường hoang dã Wildlife Conservation Society.
Tuy nhiên, mẹ con cô Siriporn cho biết: họ không hề nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.
Tổng giám đốc DLD, ông Sorawit Thanito khẳng định: “Đây là một vấn đề đại sự” của Thái Lan, và chính phủ có các kế hoạch giúp đàn voi và người nuôi, và DLD sẽ trình chính phủ những “giải pháp và nguồn kinh phí”.
Vì dịch COVID-19, chỉ có 400.000 lượt du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm 2021, quá ít so với 40 triệu lượt hồi năm 2019, theo Reuters.
Du khách, nhất là người Trung Quốc, thích cưỡi voi đi dạo và xem voi biểu diễn. Nhưng vì tình trạng phong tỏa chống dịch COVID-19 ở quê nhà, dòng du khách Trung Quốc chưa thể trở lại Thái Lan.
Trong lúc chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ đón 10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2022, một số nhà phân tích nói số lượng này có thể chưa đủ để kéo những chủ voi quay lại các điểm đến du lịch, gồm cả vấn đề vận chuyển voi khá tốn kém.
Trong khi đó, nhiều tổ chức bảo vệ động vật đã chỉ trích cách đối xử với đàn voi phục vụ ngành công nghiệp không khói Thái Lan.
Edwin Wiek, người lập Hội Bạn của đời sống hoang dã Thái Lan, nói DLD cần tìm ra một nguồn kinh phí để nuôi dưỡng đàn voi nhà: “Nếu không thì tôi cho rằng nhiều gia đình sẽ khó giúp chúng sống sót”.
Ông ước tính hàng ngàn con voi ở Thái Lan sẽ “không có nguồn thu nhập thích đáng” cho đến khi dòng du khách quay trở lại đông hơn.
Wiek nói: “Ngay lúc này, chủ voi nào có tiền để chở voi đến các điểm du lịch, và liệu có được bảo đảm nào để họ thật sự có thể hành nghề trở lại khi họ quay lại các nơi ấy?”.
Ông cho rằng sẽ có thêm nhiều voi con chào đời trong năm 2023, tức gây thêm sức ép lên các chủ voi.
Mẹ cô Siriporn nói về việc livestream đàn voi nhà: “Có ngày chúng tôi kiếm được tiền, có ngày không, có nghĩa là không có gì để ăn. Tôi không hề thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”.