Đồng Nai: Tổng kết 20 năm triển khai các chính sách theo nghị định 78/2002 của Chính phủ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:19, 22/09/2022
Tại hội nghị, ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Ngân Hàng Chính sách xã hội Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết NĐ 78-2002/NĐ-CP của Chính phủ triển khai tại tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thực tiễn đã góp phần thay đổi cả về chất và lượng, cuộc sống của nhân dân, nhất là giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước vươn lên. Nguồn vốn cho vay đã thực sự góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cụ thể, trong 20 năm qua NHCSXH tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tập trung được nhiều nguồn lực, sử dụng hiệu quả, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh.
NHCSXH tỉnh và các tổ chức CTXH đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới tổ TK&VV rộng khắp trên địa bàn tỉnh, 100% các ấp, khu phố đều có tổ TK&VV hoạt động; tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong triển khai tín dụng chính sách, là cầu nối giữa NHCSXH với người vay, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đến 31.8.2022, toàn tỉnh có 2.406 Tổ TK&VV, 110.456 khách hàng còn dư nợ với số tiền 3.720 tỉ đồng, bình quân mỗi Tổ TK&VV có 46 thành viên, dư nợ bình quân Tổ TK&VV đạt trên 1,5 tỉ đồng. Qua kết quả rà soát, phân loại tổ TK&VV, toàn tỉnh có 2.174 tổ xếp loại tốt (tỷ lệ 90,4%), 152 tổ xếp loại khá (tỉ lệ 6,3%), 70 tổ xếp loại trung bình (tỉ lệ 2,9%) và 10 tổ xếp loại yếu (tỉ lệ 0,4%).
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với dư nợ 112 tỉ đồng, đến nay NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay 17 chương trình với tổng dư nợ cho vay đến 31.8.2022 đạt 4.793 tỉ đồng, tăng 4.682 tỉ đồng so với khi mới thành lập (tăng 42 lần) và hiện có 110.620 khách hàng đang vay vốn, trong đó:
Dư nợ nguồn vốn trung ương 3.854 tỉ đồng, chiếm 80,4% tổng dư nợ, tăng 3.767 tỉ đồng (tăng 43,3 lần) so với khi mới thành lập; Dư nợ nguồn vốn địa phương ủy thác hơn 939 tỉ đồng, chiếm 19,6% tổng dư nợ, tăng 915 tỉ đồng (tăng 37,1 lần) so với khi thành lập.
So với năm 2003, dư nợ bình quân hộ từ 2,9 triệu đồng/hộ tăng lên 43,3 triệu đồng/hộ (tăng 13,9 lần), dư nợ bình quân đơn vị cấp xã từ 652,5 triệu đồng/đơn vị tăng lên gần 28.196 triệu đồng/đơn vị (tăng 42,2 lần). Tổng doanh số cho vay giai đoạn từ 2003 - 2022 đạt 11.449 tỉ đồng với 612.796 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, bình quân doanh số cho vay đạt 603 tỉ đồng/năm với 32.252 lượt khách hàng; Tổng doanh số thu nợ là 6.645 tỉ đồng, chiếm 58% doanh số cho vay.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực, có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai nhận định với những kết quả đạt được cho thấy, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta, có vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội, đúng định hướng trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước.
Với việc hàng năm giải ngân cho vay hàng chục nghìn lượt khách hàng, tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần duy trì và tạo việc làm mới cho gần 122 nghìn người lao động; giúp cho gần 86 nghìn lượt hộ nghèo thoát ngưỡng nghèo; trên 88 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Cùng với đó, xây dựng hơn 336 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần rút giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,91% năm 2002 xuống còn 0,8% cuối năm 2021, đến nay toàn tỉnh có 120/120 xã được công nhận xã nông thôn mới, trong đó có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai cần bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn vốn của trung ương, tập trung nguồn lực của địa phương đối với một số chương trình tín dụng trọng tâm, coi các đối tượng người nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác là trọng tâm để phát triển để phục vụ tốt hơn. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực, có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Đồng Nai hiện đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27.01.2021 của Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh có 7.057 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,8% tổng hộ dân, trong đó 3.752 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 53,2% tổng số hộ nghèo và 6.916 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,79% tổng hộ dân.