Châu Âu đứng trước nguy cơ thiếu rau củ
Chuyển động - Ngày đăng : 08:42, 23/09/2022
Trên khắp Bắc Âu lẫn Tây Âu, cú sốc tài chính từ khủng hoảng năng lượng khiến nông dân trồng rau củ dự tính tạm dừng hoạt động. Nguồn cung thực phẩm do vậy mà chịu thêm áp lực lớn.
Giá điện cùng giá khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến cả rau củ trồng trong nhà kính như cà chua, ớt, dưa chuột lẫn rau củ cần để kho lạnh như rau diếp quăn, táo, hành. Rau diếp quăn sau khi thu hoạch vào mùa thu thì cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, rồi trồng lại trong container kiểm soát nhiệt độ để sản xuất quanh năm.
Nông dân châu Âu cảnh báo nguy cơ thiếu hụt rau củ trước tình hình trên. Sản xuất bị ảnh hưởng và giá tăng có nghĩa siêu thị phải tìm nguồn hàng từ quốc gia khí hậu ấm áp hơn như Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Ai Cập.
Theo các nông dân, giá khí đốt là chi phí lớn nhất mà người trồng rau củ trong nhà kính phải chịu. Hai nông dân Pháp gia hạn hợp đồng điện năm 2023 cho biết họ nhận báo giá cao hơn 10 lần so với năm 2021.
“Vài tuần tới tôi sẽ lên kế hoạch cho mùa vụ, nhưng tôi chẳng biết phải làm gì cả. Nếu tình hình cứ như thế này thì không thể bắt đầu mùa vụ năm tới”, nông dân Benjamin Simonot-De Vos trồng dưa chuột, cà chua và dâu tây chia sẻ.
Không chỉ giá năng lượng, chi phí phân bón, đóng gói, vận chuyển đều tăng đe dọa đến lợi nhuận. Johannes Gross - Phó giám đốc hợp tác xã Đức Reichenau-Gemüse - cho biết tổng chi phí sản xuất của đơn vị tăng lên khoảng 30%, năng lượng chiếm một nửa đến 2/3: “Một số đồng nghiệp nghĩ đến việc bỏ trống nhà kính để giữ chi phí ở mức thấp nhất có thể. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong năm tới”.
Mạng lưới trang trại nhà kính Hà Lan Glastuinbouw Nederland cho biết 40% trong tổng số 3.000 thành viên của họ đang gặp khó khăn tài chính. Còn ở Tây Ban Nha, nông dân trồng rau củ vật lộn với chi phí phân bón tăng 25%.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Người trồng trọt Anh Jack Ward nhận định sản xuất trái cây và rau củ chắc chắn sẽ chuyển đến nơi khí hậu ấm áp hơn, có thể là đến Morocco và một số quốc gia châu Phi.