Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại TP.HCM

Sự kiện - Ngày đăng : 09:05, 23/09/2022

Sáng nay, đoàn công tác do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội và công tác xây dựng Đảng.
tbt2.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 23.9, đoàn công tác của Trung ương Đảng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng của TP.HCM từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM, Đại hội lần thứ XIII của Đảng và 8 tháng đầu năm 2022.

Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư đến TP.HCM trong nhiệm kỳ 2020-2025. Chuyến thăm của Tổng bí thư diễn ra trong bối cảnh TP.HCM trên đà phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Trong 2 năm 2020 và 2021, nền kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, dẫn đến hệ quả tăng trưởng giảm sâu -6,78% trong năm 2021. Tuy nhiên, với hàng loạt giải pháp đồng bộ và sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương, kinh tế thành phố từng bước phục hồi với những kết quả khá toàn diện. 

Trong 8 tháng qua, kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt gần 312.000 tỉ đồng (tương đương 80,7% dự toán); thành phố thu hút được khoảng 2,71 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 24,4% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực y tế, tình hình COVID-19 và sốt xuất huyết được kiểm soát, song tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ em tại TP.HCM đang rất thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến 20.9, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi một đối với trẻ 5-12 tuổi của thành phố đạt 62,4%, thấp nhất cả nước. Tỷ lệ tiêm mũi hai đạt 34,9%, thấp thứ ba cả nước, sau Quảng Nam và Đà Nẵng.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và họp phiên đầu tiên hôm 20.9. Hiện, Ban tập trung triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, qua đó giúp cán bộ yên tâm làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM đề ra mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. 

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm những tháng gần đây của TP.HCM là tập trung tổng kết Nghị quyết số 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, và Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Dự kiến, thành phố sẽ trình Bộ Chính trị và Quốc hội vào cuối năm nay.

Từ thực tiễn triển khai 2 nghị quyết quan trọng nêu trên, TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất những định hướng phát triển mới và cơ chế đặc thù, vượt trội phù hợp cho giai đoạn tới; nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực phát triển, củng cố vị trí vai trò “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế phía nam và cả nước.

P.V