Mỹ: Nông sản hữu cơ hút hàng nhưng nông dân vẫn không ham trồng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:45, 23/09/2022

Nông dân Mỹ vẫn còn giữ thái độ dè chừng với nông sản hữu cơ, dù người tiêu dùng đang có nhu cầu cao về loại nông sản này.

Vào những năm 1970 ở Mỹ, nông sản hữu cơ là một lĩnh vực lạ lẫm, chỉ dành cho các cửa hàng thực phẩm phục vụ sức khỏe hoặc chỉ bán lèo tèo ở các chợ nông sản.

Nhưng sau hàng chục năm, điều bất ngờ đã xảy ra: nhu cầu tiêu thụ nông sản hữu cơ bắt đầu tăng nhanh đến mức bắt đầu vượt xa nguồn cung tại chỗ.

Trong khi nông dân có vẻ do dự với nông sản hữu cơ thì người tiêu dùng Mỹ lại ngày càng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ như chuối, táo, trứng, thịt bò, thịt gà, sữa... Doanh số hằng năm đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua và hiện đạt mức 63 tỉ USD. Doanh số bán dự kiến sẽ tăng lên đến 5,5% trong năm nay, theo Hiệp hội Thương mại hữu cơ.

Nhưng thay vì phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, số lượng nhà nông chuyển đổi sang nông sản hữu cơ đang thực sự giảm xuống. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), số nhà nông mới chuyển đổi đã giảm khoảng 70% trong khoảng năm 2008 - 2019.

Nông sản hữu cơ chiếm khoảng 6% trong tổng số bán của mặt hàng lương thực, nhưng chỉ có 1% đất nông nghiệp ở Mỹ dành cho cây trồng hữu cơ. 

“Như ép bác sĩ chuyên chữa chân làm bác sĩ mổ tim”

Hiện tại, thách thức mới không phải là thuyết phục người tiêu dùng mua giá cao hơn, mà là khuyến khích nhà nông vượt qua sự miễn cưỡng trong việc trồng cây trái hữu cơ và bắt đầu tận dụng nguồn thu nhập có được.

Tổng giám đốc tổ chức chứng nhận nông sản hữu cơ Oregon Tilth, ông Chris Schreiner cho biết một nhà nông đã nói với ông rằng việc chuyển đổi một nông dân bình thường sang chuyên trồng hữu cơ giống như yêu cầu “một bác sĩ chữa bệnh chân trở thành một bác sĩ phẫu thuật tim”.

Ông Tilth nói mở rộng đào tạo kỹ thuật là rất quan trọng do có sự khác biệt lớn về đất canh tác thông thường và hữu cơ. Không như các trang trại thông thường, các trang trại nông sản hữu cơ không sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu cũng như hạt giống biến đổi gien.

Thay vào đó, nông dân phải kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh bằng các kỹ thuật như luân canh các loại cây trồng khác nhau, và trồng các loại cây che phủ để loại bỏ cỏ dại và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.

Cây trồng chỉ có thể được coi là hữu cơ nếu chúng được trồng trên đất không được xử lý bằng các chất tổng hợp trong 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, nông dân có thể trồng trọt, nhưng họ sẽ không nhận được thêm phí bảo hiểm đi kèm với nông sản hữu cơ.

USDA chi tiền để giúp nhà nông học các kỹ thuật mới

Hồi tháng 9, USDA đã cam kết cấp 300 triệu USD để tuyển dụng và giúp nhiều nông dân thực hiện chuyển đổi sang nông sản hữu cơ.

Khoản chi gồm 100 triệu USD nhằm giúp nhà nông học các kỹ thuật mới để trồng cây hữu cơ; 75 triệu USD cho những nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành bảo tồn mới; 25 triệu USD để mở rộng các lựa chọn bảo hiểm cây trồng và giảm chi phí; và 100 triệu USD để hỗ trợ chuỗi cung ứng hữu cơ và phát triển thị trường nông sản hữu cơ.

Nick Andrews, một nhân viên khuyến nông của Đại học bang Oregon, người làm việc với nông dân hữu cơ, đã gọi nỗ lực của USDA là “thay đổi cục diện”.

“Cuộc chơi” này sẽ đặc biệt hấp dẫn đối với những nông dân có diện tích đất nhỏ, vì giá trị gia tăng của cây trồng hữu cơ khiến họ có thể kiếm tiền đáng kể từ các trang trại có diện tích từ 10 - 40ha.

Bảo Vĩnh