Nghệ sĩ Bình Tinh - người khôi phục thương hiệu tuồng cổ Huỳnh Long
Văn hóa - Ngày đăng : 17:01, 23/09/2022
Khôi phục thương hiệu gia tộc Huỳnh Long
Ông bà ngoại Bình Tinh là nghệ sĩ Bảy Huỳnh và Ngọc Hương thành lập đoàn cải lương Chánh Thành hát tại đình Nhơn Hòa vào thập niên 1940. Thập niên 1960, ông bà ông bà chuyển sang hát cải lương Hồ Quảng.
Sau năm 1975, đoàn Chánh Thành đổi tên thành Huỳnh Long và tiếp tục một giai đoàn thành công rực rỡ. Thế hệ tiếp nối thứ hai của gia tộc Huỳnh Long là cố nghệ sĩ Bạch Mai và các em của bà. Soạn giả Bạch Mai, mẹ ruột Bình Tinh là một tài năng đặc biệt. Hồi còn diễn, bà vang danh với cả ba thể loại đào thương, đào độc và đào võ. Bên cạnh đó, bà có khả năng viết tuồng, đạo diễn và khả năng đào tạo rất tốt. Lúc cải lương hoàng kim, tên bà và chồng nghệ sĩ Đức Lợi tỏa sáng rực rỡ cùng thương hiệu Huỳnh Long.
Khi cải lương bắt đầu suy yếu, Huỳnh Long dưới sự dẫn dắt của bà vẫn trụ lại được và góp phần tạo nên thế hệ ngôi sao mới, trong đó có NSUT Thoại Mỹ, Chí Linh… Lúc ấy, Bình Tinh còn tuổi thiếu nhi lên thiếu nữ nên nghệ sĩ Bạch Mai gửi con gái sang đoàn đồng ấu Bạch Long nhờ thầy Bạch Long chỉ dạy. Với năng khiếu trời cho, Bình Tinh sớm bộc lộ kỹ năng ca diễn xuất sắc. Vậy nhưng, cô lại trưởng thành ngay lúc cải lương qua thời hoàng kim. Đoàn Huỳnh Long tạm ngưng diễn và danh tiếng ngày xưa chỉ còn là vĩ thanh buồn. Một thời gian dài, Bình Tinh đi diễn hội chợ, tiệc tùng, hát đình để giữ nghề và phụ giúp gia đình.
Năm 2016, Bình Tinh tham gia chương trình "Sao nối ngôi". Những gì cô thể hiện trong suốt cuộc thi lay động khán giả, hay và tình cảm. Cô đoạt giải Quán quân và đó là cơ hội quý để Bình Tinh khôi phục thương hiệu của gia tộc Huỳnh Long. Nghệ sĩ Bạch Mai vẫn giữ vai trò chủ đạo viết tuồng và dựng vở, Bình Tinh lo đào tạo nghệ sĩ trẻ, đoàn Huỳnh Long bắt đầu hoạt động trở lại ở những chương trình lớn và cả sân khấu lớn.
Thế nhưng, cuộc đời Bình Tinh gắn liền với thăng trầm và thử thách, hy vọng thắp lại ngọn lửa vừa nhóm lên, sự cố đau lòng ập đến. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi những người thân của cô - nghệ sĩ tài danh Bạch Mai và các người em tài hoa của bà. Bình Tinh đã đau đớn trong cảnh sinh ly tử biệt và chới với trong dự định làm nghề đang ấp ủ.
Trong đại dịch lớn năm 2021 và vào đầu năm 2022, gia tộc Huỳnh Long đã gặp tổn thất lớn khi có tới 5 nghệ sĩ ra đi. Đó là các nghệ sĩ Bạch Mai, Kim Phượng, Thanh Châu, Thanh Linh và Thái Sơn.
Ngập trong khó khăn, nhưng Bình Tinh không xuôi tay, bỏ cuộc. Cô nhờ đến sự hỗ trợ của NSƯT Hữu Quốc trong vai trò đạo diễn, NSƯT Thoại Mỹ trong nhiều vai trò khác, đoàn Huỳnh Long chọn rạp Hồng Liêng làm sàn diễn. Một loạt vở diễn theo phong cách tuồng cổ hồ quảng đặc thù Huỳnh Long đã chinh phục khán giả hoàn toàn, suất diễn nào cũng cháy vé. Thành công ngoài sức tưởng tượng. Các vai diễn của Bình Tinh làm nhiều khán giả yêu cải lương say mê.
Làm khó mình trong tuồng sử Việt
Sở trường của đoàn Huỳnh Long nói chung và Bình Tinh nói riêng là hồ quảng. Trong cải lương có sự phân định rõ các phong cách gồm: cải lương tuồng lịch sử (thuần sử Việt), cải lương hồ quảng (phảng phất phong cách kinh kịch Trung Quốc), tuồng xã hội hiện đại, cải lương thể nghiệm (lồng ghép nhiều loại hình nghệ thuật vào cải lương).
Thu hút và phổ biến nhất vẫn là thể loại hồ quảng vì màu sắc hương xa, tình yêu lãng mạn, soạn giả tùy nghi sáng tạo miễn sao khán giả thích là được.
Khó nhất là tuồng sử Việt vì yêu cầu khắt khe về độ chính xác lịch sử, tác phong và ngôn phong, phục trang, cảnh trí. Tất cả phải rất chuẩn mực đến độ khắt khe, chỉ cần một vài sai xót là bị bình phẩm rất gắt gao. Ấy vậy mà Bình Tinh vẫn dám thử thách mình trong vở Vương quyền (tác giả: Bích Ngân, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt).
Ở đó, vai vương phi Tống Thị Quyên, một nhân vật đầy bi kịch trong thời vua Minh Mạng mà Bình Tinh hóa thân là một vai diễn rất nặng tâm lý. Vì một mưu đồ chính trị, bà bị ghép án oan thông dâm với con ruột, nên thân phận đầy bi thương.
Một vai diễn mà ngay cả những ngôi sao thế hệ trước cũng thấy đầy thách thức, nhưng Bình Tinh lăn xả hết mình và đã lột tả được tâm trạng một người đàn bà bị hành hạ, tơi tả trong vòng xoáy của quyền lực.
Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết: “Là nghệ sĩ trẻ được khán giả yêu thích với nhiều vai tuồng cổ - khi chọn Sen Việt là sàn diễn nghệ thuật thứ hai sau Huỳnh Long – Bình Tinh đã dám thay đổi phong cách dấn thân vào các loại vai không thuộc sở trường như lịch sử, tâm lý xã hội, phong cách thể nghiệm (bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật tích hợp vào vở tuồng cải lương).
Điều đó cho thấy, Bình Tinh khát khao hoàn thiện và thử thách bản thân để trở thành một nghệ sĩ đa năng thích ứng với đòi hỏi của sân khấu thời đại. Bình Tinh đã vượt qua thử thách. Em thông minh và chuyên nghiệp, học hỏi và thay đổi nhanh. Tôi mừng và hy vọng nhiều ở các nghệ sĩ trẻ như Bình Tinh bằng sự nỗ lực và hy sinh quyền lợi cá nhân để mài giũa mình trong nghề. Riêng vai Tống Thị Quyên là một thách thức lớn, để hóa thân em phải hoàn thiện từ ca, diễn, đến vũ đạo. Đã có quá nhiều công sức và mồ hôi đổ xuống, và tôi thấy hài lòng với vai diễn này”.
Được biết vở Vương quyền sẽ tham dự Liên hoan sân khấu Thủ Đô tại Hà Nội vào tháng 9.2022. Sau vai Tống Thị Quyên, Bình Tinh tham gia vở Tiếng trống Mê Linh trên sân khấu Kim Tử Long. Vở này, cô hóa thân vào vai nữ tướng Thánh Thiên, bên cạnh thủ lĩnh Trưng Trắc và Trưng Nhị. Được biết, Bình Tinh ấp ủ một kịch bản sử Việt và sẽ công diễn trên sân khấu Huỳnh Long.
Xem ra bước đi này cũng nhằm làm đa dạng phong cách của một đại bang lừng lẫy một thời.