Vì sao người dân bắc Kosovo "ủng hộ Nga tuyệt đối" trong cuộc chiến với Ukraine?
Hồ sơ - Ngày đăng : 21:41, 23/09/2022
Nebjosa Jovic, một nhà quản lý trường đại học ở miền bắc Kosovo, quyết định phải hành động: Ông tổ chức một cuộc diễu hành trên đường phố để ủng hộ nước Nga.
Ông Jovic nói: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới phương Tây, đặc biệt là nước Mỹ cầm đầu: hãy ngừng bức hại người Nga”.
Ông Jovic nói, chỉ một vài người xuất hiện vì "vòng sợ hãi" bao trùm phía bắc Kosovo, một khu vực chủ yếu là dân tộc Serb khác biệt với phần còn lại của lãnh thổ mà người dân Albania, chiếm hơn 90% dân số, phần lớn ủng hộ Ukraine.
Milos Damjanovic, một nhà sử học địa phương ở phần chủ yếu là người Serb của thành phố bị chia cắt Mitrovica, phía bắc Kosovo, cho biết: “Nước Nga là tia hy vọng duy nhất mà chúng tôi còn có”.
Trên con đường chính ra khỏi Mitrovica về phía bắc - ngang qua một chốt bảo vệ do lính Mỹ canh gác - một bảng quảng cáo đảm bảo với những người Serbia rằng họ không đơn độc chống lại phương Tây và vẫn có những người bạn có ảnh hưởng: Đó là hình ảnh của Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga, Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia và ngôi sao quần vợt người Serbia, Novak Djokovic. Họ được ca ngợi là "công dân danh dự" của một khu định cư của người Serb gần đó.
Ông Putin đã không xuất hiện để nhận danh hiệu danh dự của mình, nhưng ông vẫn ghi dấu ấn nổi bật trong tâm trí của nhiều người dân như một vị cứu tinh và được nhiều người hy vọng. Ông Putin đã tiếp nối truyền thống của người Nga, những người trong quá khứ, đã hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ "những người anh em" người Slav của họ khỏi những kẻ thù bên ngoài, đặc biệt là người Hồi giáo.
Nga đã chiến đấu hơn một chục cuộc chiến với Ottoman, Đế chế Hồi giáo đã đánh bại Hoàng tử Lazar - người cai trị Serb Cơ đốc chính thống trong trận Kosovo vào năm 1389. Lịch sử đó đã tác động lớn đến chủ nghĩa dân tộc của người Serb hiện đại, gây ra một sự bất bình sâu sắc đối với Kosovo phần lớn dân số Albania theo đạo Hồi.
Ở trung tâm của Mitrovica là bức tượng tôn vinh Hoàng tử Lazar và Grigory Scherbina, một đại sứ Nga đã bị một người lính Hồi giáo sát hại vào năm 1903. Trên bức tượng còn ghi dòng chữ có nội dung: "Một giọt máu đào của người anh em Nga hòa vào dòng máu Serbia đã chảy trong nhiều thế kỷ”.
Lịch sử, phần lớn đẫm máu và bị chi phối bởi những câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng, xuất hiện trên khắp vùng Balkan, đặc biệt là trong lễ kỷ niệm về mối quan hệ “anh em” giữa Nga và Serbia, cả hai quốc gia chủ yếu là Cơ đốc giáo Chính thống.
Bên cạnh việc ủng hộ Serbia tại Liên hợp quốc và dành sức mạnh ngoại giao cho những tuyên bố rằng Kosovo vẫn thuộc về Serbia, Nga cung cấp rất ít viện trợ cụ thể. Và, bằng cách liên tục viện dẫn sự can thiệp của phương Tây vào Kosovo để biện minh cho việc Nga sáp nhập Crimea và các vùng đất khác của Ukraine, ông Putin đi ngược nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ mà Serbia dựa trên yêu sách của mình đối với Kosovo.
Tuy nhiên, Marko Jaksic, một cựu ủy viên hội đồng địa phương ở Bắc Mitrovica, một phần dân tộc Serb của thành phố cho biết: “Khi bạn mất hết hy vọng, bạn tin vào phép màu. Đối với nhiều người ở đây, Nga là hy vọng bảo vệ cuối cùng”.
Albin Kurti, thủ tướng của Kosovo vốn không được Serbia (và cả LHQ) thừa nhận, than thở rằng ông Putin đã trở thành vị thánh bảo trợ cho những người Serb cứng rắn nhất: “Đối với các nhóm cực đoan ở Kosovo, Putin là thần tượng của họ”.
Hầu hết các sắc tộc Serb, cho dù sống ở Serbia hay trong các vùng đất ở Kosovo và Bosnia & Herzegovina, đều coi Nga là bạn của họ, không phải vì họ thích ông Putin hay nước Nga mà vì họ ghét NATO. Điều này đặc biệt rõ ràng ở phía bắc Kosovo, nơi NATO thực hiện chiến dịch ném bom năm 1999 đã phá vỡ sự kiểm soát của Serbia đối với Kosovo.
Ông Damjanovic, nhà sử học nói rằng: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Sự lựa chọn duy nhất của chúng tôi là Nga”. Năm ngoái, khi thăm dò ý kiến ai là “người bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của người Serb”, hơn 65% cư dân ở miền bắc Kosovo đã chọn Nga và chỉ 3% là Mỹ.
Vai trò của nửa bắc thành phố Mitrovica như một thành lũy của tình cảm thân Nga đã tạo ra một vấn đề đối với ông Vucic, tổng thống Serbia. Ông ta đã bác bỏ việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow về cuộc chiến tại Ukraine và trong nhiều năm, ông đã nói với thế giới về cảm giác nạn nhân của người Serb. Tuy nhiên, ông đã nỗ lực để thuyết phục phương Tây rằng ông không chịu lệ thuộc vào Điện Kremlin.
Đối với ông Vucic, một nhà lãnh đạo đang cố gắng đưa đất nước của mình gia nhập Liên minh châu Âu, việc người dân tộc Serb ở khu vực Kosovo hướng về Nga chắc chắn là một rào cản.
Ông Jovic, người tổ chức cuộc diễu hành ủng hộ Moscow, phàn nàn rằng các quan chức địa phương trung thành với tổng thống Serbia kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động chính trị trong khu vực và gây khó khăn trong việc bày tỏ sự ủng hộ đối với Điện Kremlin. Theo ông Jovic, Tổng thống Vucic không muốn làm phức tạp thêm nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu vốn đã vấp ngã của mình.
Mặc dù bị coi là những kẻ quá khích và làm đảo lộn hành động cân bằng giữa Đông và Tây của ông Vucic, các quan chức người Serb ở miền bắc Kosovo đành chỉ ngầm ủng hộ Nga và từ chối tìm kiếm sự hỗ trợ từ Moscow. Igor Simic, nhân vật số 2 của một đảng chính trị đại diện cho người Serb ở Kosovo, nhận định: “Nga nhận được thiện cảm ở đây, nhưng chúng tôi không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ đó”.
Ngay cả ông Damjanovic, nhà sử học chống NATO cũng thừa nhận rằng Nga thường gây thất vọng. Ông lấy ví dụ là vào tháng 6.1999, khi Moscow gửi quân đến Kosovo chỉ vài giờ trước khi lực lượng NATO đến. Mặc dù nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ những người dân Serbia vẫy cờ Nga, lực lượng Nga đã không làm gì để ngăn phần lớn người dân Albania trả thù bằng bạo lực sau khi cảnh sát và quân đội Serbia rời đi. Quân đội NATO cũng vậy, chủ yếu đứng sang một bên.
Nhưng ông Damjanovic lưu ý, đó là khi Boris Yeltsin là ông chủ Điện Kremlin và nhấn mạnh: “Bây giờ là Putin”. Ông nói thêm: “Tôi không biết bất kỳ ai ở Kosovo đang ủng hộ Ukraine”, khi đề cập về tình cảm của người Serb.
Việc rất nhiều người Albania ở Kosovo đang cổ vũ cho Ukraine là đủ để nhiều người Serbia làm điều ngược lại. Milan Doctures, một nghệ sĩ trẻ người Serb ở miền bắc Mitrovica, cho biết người Albania "hoàn toàn ủng hộ Ukraine mà không có lý do thực sự, vì vậy tất cả chúng tôi đều ủng hộ Nga. Tôi không nói rằng Putin đúng khi khiến người Ukraine bỏ mạng, nhưng Nga có lý do của họ và tôi hoàn toàn chống lại NATO".
Milos Milovanovic, một nhà nghiên cứu làm việc tại một tổ chức phi chính phủ ở Mitrovica và là một nhà phê bình người Serb hiếm hoi có thái độ chống Moscow. Ông cho biết: “Cá nhân tôi không có thiện cảm với Nga” trong vụ Ukraine nhưng thừa nhận mình lẻ loi.