Khởi công cầu Nhơn Trạch kết nối TP.HCM - Đồng Nai

Sự kiện - Ngày đăng : 12:35, 24/09/2022

Sáng 24.9, cầu Nhơn Trạch đã chính thức khởi công, đặt những viên gạch đầu tiên cho đường Vành đai 3 TP.HCM.

Sáng 24.9, tại huyện Nhơn Trạch, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM tổ chức lễ khởi công dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM. Đây là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian cũng như tạo điều kiện đi lại thuận lợi từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics... cho các tỉnh, thành phố trong khu vực.

z3746659297411_55869d6381d32eab460720b74330a1ac.jpg
Bản đồ quy hoạch các tuyến Vành đai 3, 4 TP.HCM

Đặc biệt, dự án góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP.HCM, từng bước góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM theo quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm cơ quan trực tiếp quản lý.

Dự án có chiều dài khoảng 8,22km, gồm 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92km đi qua địa bàn TP.HCM. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường từ 20,5m - 26m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

z3746659294890_9c6b75201556e4ef9b656dbe34b727e1.jpg
Lễ khởi công dự án thành phần 1A - Ảnh: Hoàng Phúc

Dự án có tổng mức đầu tư là gần 7.000 tỉ đồng với chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 2.250 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) là 190,77 triệu USD (tương đương 4.175 tỉ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 2.779 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng vùng Đông Nam Bộ là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam khi mà tỷ lệ đóng góp của vùng chiếm khoảng 34% GDP. Bên cạnh đó, vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng.

z3746659306505_ef5f46acce72bec6698fd4b0dc8eea6a.jpg
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tỉnh Đồng Nai, TP.HCM tham dự lễ khởi công dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Đường Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: Hoàng Phúc

Theo ông Tuấn, đường Vành đai 3 TP.HCM có tính chất quan trọng trong việc tạo động lực phát triển toàn vùng nên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011 và tiếp tục được khẳng định tại Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM rất lớn nên Thủ tướng đã cho phép phân chia tuyến đường thành các đoạn tuyến thành phần, trong đó dự án thành phần 1A là đầu tư xây dựng đoạn tuyến từ Đường tỉnh 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giữ vai trò kết nối giao thông khu vực TP.HCM với Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

“Dự án thành phần 1A khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành và hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Từ đó, nâng cao tính kết nối giữa TP và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ; đặc biệt góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm thành TP.HCM”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Để dự án được hoàn thành đúng tiến độ, quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư, ông Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, các đơn vị tư vấn, nhà thầu chịu trách nhiệm cao nhất; xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp để huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị; tập trung triển khai dự án đảm bảo chất lượng an toàn, vệ sinh môi trường cũng như pháp luật và chỉ dẫn kỹ thuật của dự án; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực và sai phạm.

Đồng thời, ông Tuấn đề nghị TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm bố trí đủ nguồn vốn, chỉ đạo sớm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý 4/2022, ưu tiên đủ nguồn lực, vật liệu cho dự án và hỗ trợ các nhà thầu trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai dự án.

Hoàng Phúc