Cần làm rõ vì sao thời gian qua quy hoạch điện bị phá vỡ?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:55, 24/09/2022

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị làm rõ vì sao thời gian vừa qua bị phá vỡ quy hoạch điện, sắp tới có tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo hay không?

Ngày 24.9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với ngành điện chỉ nên tập trung vào một số vấn đề giám sát đang được dư luận rất quan tâm. Ví dụ năng lượng tái tạo phát triển vượt công suất trong Quy hoạch điện 7; tình trạng đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời, điện gió dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

nl-3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh 

Ngoài ra, theo ông Thanh, Đoàn giám sát cũng cần xem xét chính sách về xuất nhập khẩu và chiến lược đầu tư nâng cao năng lực của các ngành năng lượng của Việt Nam, trong đó ngành than hiện đang có nhiều khó khăn, bất cập.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, vấn đề năng lượng rất rộng, cần xem xét, cân đối giám sát tổng thể các ngành năng lượng để đảm bảo tính toàn diện. Ông Hiển đề nghị, chuyên đề giám sát nên tập trung vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có giá năng lượng - đây là vấn đề có tính nền tảng và được xã hội, người dân rất quan tâm.

“Việc giám sát cũng cần tập trung vào trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển các năng lượng tái tạo, năng lượng mới và gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững và các cam kết trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050”, ông Hiển nêu.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh đến 3 nội dung cơ bản của Đoàn giám sát cần hoàn thành, đó là: đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của ngành năng lượng và bảo đảm góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Để hoạt động giám sát hiệu quả, theo ông Dũng, cần nhận định thực sự khoa học. Trong đó làm rõ vì sao thời gian vừa qua bị phá vỡ quy hoạch điện, sắp tới có tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo hay không, phát triển ở mức như thế nào?

nl-4.jpg
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, mục tiêu cuối cùng của giám sát của Quốc hội là gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đó, việc giám sát cần xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, liệu có xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới? Đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào?

Đồng thời, giám sát tập trung vào vấn đề chuyển đổi năng lượng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điện, trong đó Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Quy hoạch điện 8…

Ngoài ra, tập trung giám sát các chính sách phát triển năng lượng, chính sách tiết kiệm năng lượng, các chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư, chính sách liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực, việc thu hút FDI, các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

nl-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến; tập trung xác định rõ phạm vi, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của cuộc giám sát, hoàn thiện kế hoạch chi tiết để công bố báo cáo lựa chọn đối tượng giám sát; không hình thức, bảo đảm hiệu quả và ảnh hưởng ít nhất hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Lưu ý điều phối tránh nhiều đoàn giám sát trong cùng một địa phương.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đánh giá, có kiến nghị chính sách về chuyển đổi năng lượng, về cơ chế đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường năng lượng, giá cả thị trường năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng…

Thêm vào đó là những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh năng lượng và các cam kết quốc tế hiện nay về vấn đề năng lượng trên cơ sở đảm bảo độc lập, chủ quyền, an ninh năng lượng bền vững, phù hợp với tỉnh hình thực tiễn Việt Nam.

Hoài Lam