Nhìn biến đổi khí hậu ở ĐBSCL theo một cách khác

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 18:14, 24/09/2022

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu không nên kể lể, than phiền nữa vì dễ làm tiêu cực hóa cảm xúc.

Ngày 24.9, tại TP.Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững ĐBSCL”.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói "bởi vì kể lể mấy chục năm nay, cũng đã đủ rồi. Là người trong cuộc mà chúng ta tụt cảm xúc như vậy sẽ không có đủ năng lượng thì rất khó đối với vấn đề biến đổi khí hậu".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị nhìn nhận biến đổi khí hậu bằng con mắt tích cực hơn, phải cùng nhau tìm giải pháp đi lên, cùng với đó là sự tài trợ quốc tế (Ngân hàng Thế giới). Bộ trưởng nói rằng không nên mơ nước sông Mekong đầy phù sa mà phải chấp nhận và đi lên từ thực trạng hiện tại, hướng tới lợi ích chung của người dân.

bdkh.jpg
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, không nên than phiền về vấn đề biến đổi khí hậu nữa. Trong ảnh là người dân đầu nguồn sông Hậu khai thác sản vật mùa nước nổi - Ảnh: P.H

Bộ trưởng Hoan mong muốn các địa phương phải năng động, linh hoạt trong thực hiện quy hoạch tích hợp về lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai thời gian qua, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, không gian địa lý. Đồng thời, cần phối hợp với nhà khoa học và doanh nghiệp cùng với người nông dân sản xuất những gì mà thị trường cần, tức là cùng nhau chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng với thị trường.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, cho hay vùng này đang chịu tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên... Để giải quyết vấn đề hết sức khó khăn này, cần thực hiện đúng Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng như đúng quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL.

Theo ông Thiện, chúng ta không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên; không làm nông nghiệp theo số lượng mà chuyển sang chất lượng; xoay trục ưu tiên từ lúa - cây ăn trái - thủy sản sang thủy sản - cây ăn trái - lúa; xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên (trước đây không xem nước mặn là tài nguyên)…

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đánh dấu sự khởi đầu hướng tới sự chủ động sống chung với thiên nhiên. ĐBSCL đã bắt đầu có chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn. Bà cũng cho biết Ngân hàng Thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu.

Nguyên Việt