Tăng lãi suất, doanh nghiệp đối mặt thêm nhiều nỗi lo
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 26/09/2022
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, đưa mặt bằng lãi suất điều hành tại nền kinh tế số một thế giới lên mức 3,25%/năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều chỉnh một loạt biểu lãi suất điều hành.
Theo đó, quy định các mức lãi suất của NHNN như sau: lãi suất tái cấp vốn: 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6%/năm…
Nói với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho biết tình trạng hết room tín dụng vừa qua dẫn đến khó khăn trong việc cho vay đối với cả doanh nghiệp và người dân. Hiện tại, lãi suất tiền gửi cũng từng bước được nâng lên chắc chắn sẽ gây áp lực cho đầu ra – là lãi suất cho vay.
“Những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm, áp lực lãi suất sẽ lớn. Bất động sản là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm nên áp lực lãi vay rất lớn”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng lần này các ngân hàng không bị áp lực nhiều như giai đoạn 2011-2012. Giai đoạn trước, nhiều chủ ngân hàng cũng là chủ công ty bất động sản sân sau. Họ vừa là chủ nợ, đồng thời cũng là con nợ nên áp lực về trả tiền cho người gửi rất cao. Lãi suất thời điểm đó liên tục tăng, lên tới 14% và lãi suất cho vay lên tới 20%, tạo áp lực rất lớn cho người ôm đất.
Tại cuộc họp báo quý 3/2022 để thông tin kết quả hoạt động quý vừa qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt, đồng bộ.
Theo ông Tú, ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ sử dụng các biện pháp tiền một cách linh hoạt để đạt được những mục tiêu đề ra. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
"NHHN sẽ tiếp tục kiểm soát những lĩnh vực có nhiều rủi ro trong hoạt động tín dụng như bất động sản, chứng khoán. NHNN sẽ tạo điều kiện nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát việc kinh doanh, mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng theo đúng quy định của NHNN đảm bảo sự an toàn của hệ thống", ông Tú nói.
Báo cáo của VNDIRECT đánh giá, hành động của NHNN Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, các chuyên gia công ty này có ''đôi chút bất ngờ'' về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của VNDIRECT ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022).
Sau đợt tăng lãi suất lần này, ít khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022.
Về tỷ giá hối đoái, bản tin của VNDIRECT cho rằng, tỷ giá vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022.
Trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều áp lực tăng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất.
“Chúng tôi cho rằng cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20 - 40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất” - báo cáo VNDIRECT nhìn nhận.
Trong báo cáo cập nhật về động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng. Dù vậy, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Theo các chuyên gia phân tích của chứng khoán Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động nhưng lại cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) toàn ngành thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng, như các ngân hàng có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn.