Nơi bí mật sửa chữa vũ khí cho Ukraine tại Ba Lan
Quốc tế - Ngày đăng : 12:38, 26/09/2022
Hành khách đến sân bay Rzeszow phía đông nam Ba Lan hầu như không nhìn thấy trung tâm viện trợ quân sự cho Ukraine được xây dựng. Cách xa nhà ga sân bay dân sự, 50 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đang thiết lập doanh trại, NATO cũng xây dựng tuyến phòng thủ với hệ thống phòng không Patriot. Từ đây đến biên giới Ukraine - Ba Lan chỉ mất 1 tiếng đồng hồ lái xe.
Hoạt động vận chuyển quân sự tại khu vực thường xuyên được ghi nhận. Nhiều người dân địa phương ngày nào cũng thấy binh sĩ ngồi trên xe tải dân dụng đậu nghỉ ngơi ngoài đường cao tốc. Tuy nhiên, cách thức chuyển vũ khí phương Tây đến tay quân đội Ukraine đến nay vẫn còn là bí mật.
Vùng biên giới Ukraine - Ba Lan thành điểm trung chuyển vũ khí từng được Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock xác nhận gián tiếp. Sau chuyến thăm Kyiv giữa tháng 9, bà nói với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng một trung tâm bảo dưỡng ở biên giới Ukraine - Ba Lan sẽ được thiết lập.
Pháo Đức hư hại
Tướng Đức Christian Freuding đầu tháng 9 vừa sang Kyiv hội đàm với tướng lĩnh Ukraine. Ông cho biết, số pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 mà Đức viện trợ trước đó đang bị hao mòn.
“Chúng đã được sử dụng trong chiến đấu từ tháng 5, nên tất nhiên giờ đây có một số hạn chế về khả năng hoạt động. Một lực lượng đặc nhiệm đang làm việc để đảm bảo các hệ thống pháo nhanh chóng quay lại trạng thái sẵn sàng”, theo tướng Freuding.
Vài tuần gần đây - lúc mùa đông sắp đến, việc sửa chữa vũ khí phương Tây hư hại càng trở nên quan trọng và ưu tiên. Đức cung cấp thêm 4 pháo Panzerhaubitze 2000 khi Ukraine phản công thành công ở vùng đông bắc đất nước.
Chuyên gia an ninh Wolfgang Richter thuộc Viện Quốc tế - An ninh Đức nhận định: “Chiến đấu liên tục khiến vũ khí hao mòn. Linh kiện dự phòng cho nhiều hệ thống vũ khí phương Tây khác nhau cần được giữ ở trạng thái sẵn sàng và càng gần biên giới Ukraine càng tốt. Ngoài ra, cũng cần có nhân viên được đào tạo có thể sửa chữa vũ khí phương Tây”.
Đây là nhiệm vụ chẳng hề dễ dàng, vì Ukraine nhận rất nhiều loại vũ khí từ nhiều quốc gia. Mỗi vũ khí cần linh kiện khác nhau và với một số lượng lớn.