VCCI đề nghị miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:37, 27/09/2022
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.
VCCI đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết quy định về chính sách giảm thuế TTĐB với xăng và thuế GTGT với xăng dầu và trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể tùy điều kiện thực tế.
“Quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là kiến nghị đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh với VCCI trong thời gian qua”, VCCI nêu.
Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng như VCCI đã nêu tại Công văn số 0915/PTM-PC ngày 21.6.2022 với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường.
Chính sách giảm 50% thuế TTĐB như đề xuất hiện nay đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế GTGT đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết trên cơ sở 2 phương án:
Phương án 1 giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng dầu với thời gian áp dụng 6 tháng (kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành).
Dự kiến giá dầu thô 100 USD/thùng, thu ngân sách nhà nước của 2 sắc thuế này sẽ giảm khoảng 1.239 tỉ đồng/tháng. Cộng thêm việc giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu ưu đãi trước đó, tổng thu ngân sách giảm khoảng 5.432 tỉ đồng/tháng.
Với thời gian thực hiện giảm thuế 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước giảm tương đương 7.434 tỉ đồng và 40.890 tỉ đồng.
Về phương án đề xuất nêu trên, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 15,93% đối với xăng E5RON92, khoảng 17,95% đối với xăng RON95 và khoảng 9,75% đối với dầu diesel. Trong trường hợp Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.11.2022, dự kiến tác động của biện pháp giảm thuế theo phương án này giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,1%.
Phương án 2 giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 6 tháng (kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành). Theo đó, tổng giảm thu ngân sách nhà nước lần lượt là 12.186 tỉ đồng và khoảng 45.642 tỉ đồng.
Như vậy, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel. Theo đó, biện pháp giảm thuế theo phương án này dự kiến giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,15%.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế TTĐB, thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Qua đó, chính sách này sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và 2023.