Chủ sở hữu TikTok mua lại 3 tỉ USD cổ phiếu bất chấp một số cổ đông phản đối

Thế giới số - Ngày đăng : 14:15, 27/09/2022

ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã kết thúc một cuộc họp cổ đông đặc biệt vào sáng 27.9.

Theo đó, công ty đã thông qua quyết định của hội đồng quản trị về việc mua lại tới 3 tỉ USD cổ phiếu từ các nhà đầu tư bất chấp sự phản đối của một số cổ đông nhỏ, theo một nguồn tin trong cuộc họp.

Lời đề nghị mua lại mỗi cổ phiếu với giá 177 USD sẽ mang lại cho ByteDance mức định giá 300 tỉ USD, xếp nó vào số những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc với giá trị trị trường cao hơn Alibaba Group Holding. Dù vậy, một số nhà đầu tư nhỏ không hài lòng với mức giá này vì thấp hơn khoảng 1/4 so với mức giá đỉnh của ByteDance một năm trước, nguồn tin giấu tên nói với tờ South China Morning Post.

Cuộc họp được tiến hành hoàn toàn bằng tiếng Anh “mà không có người phiên dịch”, với hơn 100 đại biểu tham dự. Các văn phòng của ByteDance tại Hồng Kông và Singapore đã mở cửa hôm nay để các nhà đầu tư đến dự, nhưng hầu hết chọn tham gia hội nghị từ xa bằng cách sử dụng Lark, công cụ cộng tác và hội nghị kinh doanh của công ty.

Được bổ nhiệm làm Giám đốc tài chính mới của ByteDance vào tháng 4, Julie Gao là người chủ trì cuộc họp này, nguồn tin cho biết.

Việc thông qua quyết định của hội đồng quản trị đánh dấu lần đầu tiên ByteDance đề nghị mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư.

Sau nhiều năm có thông tin ByteDance phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), kế hoạch niêm yết vẫn chưa được công bố trong bối cảnh thị trường cổ phiếu công nghệ ảm đạm.

Tháng này, Julie Gao nhắc lại những tuyên bố trước đây của ByteDance rằng công ty không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu.

Ngay cả khi được định giá giảm, ByteDance vẫn là công ty tư nhân có giá trị nhất Trung Quốc.

Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, có 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, từ đó ByteDance kiếm được lợi nhuận thông qua quảng cáo, thương mại điện tử và các dịch vụ khác.

TikTok vẫn cực kỳ phổ biến ở nước ngoài với hơn 1 tỉ người dùng. Điều này bất chấp sự giám sát chính trị gia tăng trong bối cảnh ở Mỹ và các nước phương Tây khác lo ngại rằng ByteDance, chủ sở hữu TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, tuân theo luật có thể yêu cầu nó giao dữ liệu người dùng nhạy cảm cho chính phủ Trung Quốc, điều mà công ty nhiều lần phủ nhận.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng buộc ByteDance bán nền tảng này cho các nhà đầu tư Mỹ vào năm 2020, nhưng kế hoạch đã không thành hiện thực sau khi chính phủ Trung Quốc can thiệp gián tiếp bằng cách yêu cầu phê duyệt xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, bao gồm cả các thuật toán lan truyền video của TikTok.

Chính quyền Biden và TikTok đã soạn thảo một thỏa thuận sơ bộ để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng thỏa thuận gặp phải trở ngại khi TikTok cố gắng duy trì cấu trúc sở hữu của mình, tờ The New York Times đưa tin hôm 26.9, trích dẫn bốn nguồn tin.

Cuộc họp cổ đông hôm 27.9 đã không giải quyết các vấn đề không có trong chương trình nghị sự, nguồn tin nói với tờ South China Morning Post.

chu-so-huu-tiktok-mua-lai-co-phieu-3-ti-usd.jpg
Lời đề nghị mua lại mỗi cổ phiếu với giá 177 USD mang lại cho ByteDance mức định giá 300 tỉ USD, cao hơn Alibaba 

Hôm 14.9, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã đặt câu hỏi với Vanessa Pappas, Giám đốc vận hành hành TikTok, người nói rằng ứng dụng video duy trì kiểm soát truy cập nghiêm ngặt với dữ liệu khách hàng của mình.

TikTok lặp đi lặp lại rằng chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, điều mà Vanessa Pappas nói lại trong phiên điều trần về tác động của mạng xã hội với an ninh quốc gia.

Vanessa Pappas nói với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng: “TikTok có kiểm soát truy cập rất nghiêm ngặt với loại dữ liệu mà họ có thể truy cập và nơi dữ liệu đó được lưu trữ, ở đây là Mỹ. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không cung cấp dữ liệu đó cho Trung Quốc”.

Trong khi ByteDance được thành lập tại Trung Quốc, Vanessa Pappas cho biết TikTok “không có trụ sở chính thức như một công ty toàn cầu”. TikTok được đăng ký tại Quần đảo Cayman và có nhân viên ở Trung Quốc.

Phần lớn ban lãnh đạo của TikTok là ở Singapore, bao gồm cả Giám đốc điều hành Shou Zi Chew, người được bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 5.2021. Ông Shou Zi Chew đã tiếp quản vai trò của bà Vanessa Pappas, từng là Giám đốc điều hành TikTok tạm thời sau khi ông Kevin Mayer từ chức vào tháng 8.2020.

Josh Hawley, đảng viên Cộng hòa ở bang Missouri (Mỹ), đã hỏi liệu có bất kỳ nhân viên TikTok nào là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không. Vanessa Pappas trả lời: “Tất cả những người đưa ra quyết định chiến lược tại nền tảng này đều không phải là thành viên của ĐCSTQ”.

Vanessa Pappas cũng trả lời câu hỏi về các bài viết gần đây của truyền thông. Trang BuzzFeed News đăng bài viết hồi tháng 6 rằng dữ liệu của người dùng TikTok ở Mỹ đã bị truy cập nhiều lần từ bên trong Trung Quốc, nơi công ty có quản trị viên chính được quyền truy cập vào mọi thứ. Vanessa Pappas gọi những cáo buộc này là vô căn cứ và nói rằng "một tài khoản chính không tồn tại".

Tháng trước, trang Forbes đã công bố câu chuyện về 300 nhân viên TikTok hiện tại làm việc cho các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc. Vanessa Pappas cho biết bà “sẽ không thể nói về đảng phái chính trị của bất kỳ cá nhân nào và rằng công ty đang bảo vệ dữ liệu ở Mỹ”.

ByteDance được rót vốn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital, General Atlantic và Hillhouse Capital Group. Tuy nhiên, ByteDance gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ Trung Quốc siết quy định với các công ty internet trong nước và bị chính phủ Mỹ nghi ngờ.

TikTok cũng bị cấm bởi chính phủ Ấn Độ sau cuộc giao tranh ở biên giới giữa quân đội hai nước vào năm 2020, buộc ứng dụng phải ra khỏi thị trường lớn nhất về số lượng người dùng thường xuyên (200 triệu).

ByteDance cân nhắc việc IPO TikTok trong nhiều năm qua và cũng dự tính IPO riêng cho Douyin cùng các doanh nghiệp Trung Quốc ở Hồng Kông. Thế nhưng, cả hai kế hoạch đều liên tục bị tạm dừng khi Bắc Kinh tăng cường giám sát các gã khổng lồ internet và mới đây là đà giảm giá mạnh của cổ phiếu công nghệ.

Mức định giá 300 tỉ USD với ByteDance vẫn hứa hẹn mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư ban đầu như Sequoia Capital và Susquehanna International Group.

Hôm 9.10.2020, cơ quan quản lý viễn thông Pakistan đã cấm TikTok vì không lọc ra được nội dung “vô đạo đức và thô tục”. Cơ quan này cho biết lệnh cấm được đưa ra vì “khiếu nại từ các thành phần khác nhau trong xã hội với nội dung vô đạo đức và khiếm nhã trên ứng dụng chia sẻ video”.

Cơ quan quản lý viễn thông Pakistan thông báo cho phía TikTok rằng sẽ để ngỏ khả năng thảo luận hướng giải quyết vấn đề trên và xem xét lại quyết định cấm phụ vào việc ứng dụng này tiết chế các nội dung phi pháp có đáp ứng yêu cầu cơ quan chức năng không.

TikTok khẳng định đã “cam kết tuân thủ luật pháp tại các thị trường nơi ứng dụng được cung cấp”. “Chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với cơ quan quản lý viễn thông Pakistan và tiếp tục làm việc với họ. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một kết luận giúp chúng tôi tiếp tục phục vụ cộng đồng trực tuyến sôi động và sáng tạo của đất nước”, TikTok cho hay.

Thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, TikTok đã trở nên cực kỳ phổ biến trong một thời gian ngắn, bằng cách khuyến khích người dùng trẻ đăng các video ngắn. Sự nổi lên nhanh chóng cuốn TikTok vào cơn bão lửa với một số quốc gia nâng cao lo ngại về an ninh và quyền riêng tư vì liên kết của nó với Trung Quốc.

Ngày 29.6.2020, TikTok đã bị chặn ở Ấn Độ (nước láng giềng với Pakistan và là thị trường lớn nhất về người dùng) vì lo ngại về an ninh quốc gia tại thời điểm nước này có tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, TikTok phải đối mặt với mối đe dọa bị cấm ở Mỹ và bị giám sát ở các quốc gia khác, bao gồm cả Úc.

TikTok từ lâu đã phủ nhận rằng các liên kết với Trung Quốc gây ra mối lo ngại về an ninh ở các quốc gia khác.

Pakistan đa số theo đạo Hồi, có các quy định về truyền thông tuân thủ các phong tục xã hội lâu đời. Vào tháng 7.2020, PTA đã đưa ra "cảnh báo cuối cùng" cho TikTok về nội dung thô tục.

Usama Khilji, Giám đốc của Bolo Bhi - nhóm người Pakistan ủng hộ quyền của người dùng internet, cho biết quyết định này đã làm suy yếu giấc mơ của chính phủ về một Pakistan kỹ thuật số.

Việc chính phủ chặn một ứng dụng giải trí được hàng triệu người sử dụng và là nguồn thu nhập của hàng ngàn người sáng tạo nội dung, đặc biệt là những người đến từ các thị trấn và làng mạc nhỏ hơn, là một sự phản bội với các chuẩn mực dân chủ và các quyền cơ bản được hiến pháp đảm bảo”, Usama Khilji nói.

Hôm 19.9, Afghanistan đã trở thành quốc gia châu Á thứ ba sau Ấn Độ và Pakistan cấm TikTok và các ứng dụng di động của Trung Quốc.

Afghanistan từng tuyên bố sẽ hạn chế tất cả ứng dụng quảng bá “nội dung vô đạo đức”.

Do Taliban kiểm soát, chính phủ Afghanistan dự kiến ​​sẽ chặn quyền truy cập vào TikTok trong 30 ngày tới. Trong khi đó, tựa game nổi tiếng PUBG sẽ bị cấm 90 ngày tới, theo phương tiện truyền thông địa phương trích dẫn Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Afghanistan.

Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan an ninh và cơ quan thực thi pháp luật Afghanistan cho rằng nội dung được đăng trên hai ứng dụng này là “vô đạo đức”.

Vào ngày 21.4, nội các Afghanistan đã chỉ đạo Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin thực hiện các bước thích hợp để chặn quyền truy cập vào PUBG và TikTok.

Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin có nghĩa vụ chặn game PUBG và ứng dụng có tên TikTok, thứ khiến thế hệ trẻ lạc lối, và theo cách tương tự, là việc phát sóng những kênh có chương trình và nội dung vô đạo đức, ngay cả khi có thể ngăn chặn nó”, một phát ngôn viên Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Afghanistan tuyên bố sau quyết định của nội các vào tháng 4.

Trước đó, Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Afghanistan đã chặn quyền truy cập hơn 23 triệu trang web vì hiển thị nội dung “vô đạo đức” kể từ khi lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu rút khỏi quốc gia này.

Sơn Vân