Cửa hàng tiện lợi Nhật Bản giảm dùng nĩa nhựa
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:46, 27/09/2022
Biện pháp này nhằm tăng ý thức bảo vệ môi trường, giảm sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, đồng thời bảo tồn truyền thống văn hóa ăn bằng đũa gỗ.
Ở Nhật cửa hàng tiện lợi là nơi mua thức ăn và ăn tại chỗ của giới nhân viên văn phòng luôn bận việc, cũng như của người lái xe, thợ xây không có nhiều quán ăn ở gần chỗ làm.
Và thực khách thường dùng nĩa để ăn các món ăn phương Tây như mì spaghetti, trong khi đũa tre dùng để ăn mì ăn liền hoặc các món ăn châu Á.
Tuy nhiên, FamilyMart cũng sẽ không chấm dứt hẳn việc dùng nĩa vì trẻ con ở Nhật chưa thạo dùng đũa như người lớn. Một số người cao tuổi ở Nhật cũng thường nhận xét là dùng nĩa dễ hơn.
FamilyMart còn xác nhận khách nước ngoài không quen dùng đũa, nên vẫn sẽ đưa nĩa cho khách thuộc 3 nhóm tuổi vừa kể.
Từ ngày 10.3, FamilyMart ở Nhật đã thay nĩa nhựa bằng đũa tre ở 10 cửa hàng tại thủ đô Tokyo. Công ty cũng tiếp tục xem xét khả năng cung cấp muỗng gỗ cho khách ăn tại chỗ.
Hồi năm 2020, FamilyMart cùng nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã bắt đầu tính tiền túi mua sắm bằng nhựa với khách hàng, trong nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng tự đem túi tái chế đến mua sắm.
Theo báo Yomiuri Shimbun, luật quảng bá tái chế nhựa có hiệu lực từ ngày 1.4.2022 nhằm hạn chế rác thải nhựa.
Luật quy định các nhà bán lẻ và khách sạn ở Nhật phải tính tiền, nếu khách sử dụng các dụng cụ tiện nghi làm bằng nhựa, hoặc có phần thưởng cho khách nào không sử dụng các dụng cụ bằng nhựa, như muỗng, nĩa, lược chải tóc, dao cạo râu và bàn chải răng.
Công ty nào sử dụng từ 5 tấn dụng cụ bằng nhựa/năm trở lên và không có biện pháp giảm rác thải nhựa sẽ bị phạt tối đa 500.000 yen Nhật.
Từ đó, tất cả các tiệm thuộc chuỗi nhà hàng ăn Gyoza no Ohsho ở Nhật tính giá bán 5 yen cho mỗi chiếc muỗng nhựa mang đi.
Starbucks Coffee Japan đưa muỗng bằng thép không gỉ cho khách uống cà phê tại chỗ, và muỗng gỗ cho khách mua mang đi.
Đa số chuỗi khách sạn cũng ngưng cung cấp dụng cụ tiện nghi cho khách lưu trú. Một số khách sạn cao cấp chuẩn bị bộ dụng cụ này bằng gỗ hoặc bằng tre trong phòng của khách.
Luật quảng bá hạn chế rác thải nhựa của Nhật nhằm kéo giảm ô nhiễm môi trường biển do loại rác này gây ra, và giảm thải phát khí carbon dioxide từ khâu sản xuất và thải bỏ các sản phẩm bằng nhựa.
Hồi tháng 5.2019, Nhật đã thông qua Chiến lược thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên nhựa, đặt mục tiêu giảm túi nhựa mua sắm dùng một lần xuống còn 25% kể từ năm 2030.
Từ tháng 6.2020 không còn cảnh phát miễn phí túi nhựa mua sắm dùng một lần. Kết quả là số túi nhựa lưu hành trong nước giảm xuống còn 100.000 tấn trong năm 2021.
Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) đã báo cáo thế giới đang tạo ra gấp đôi rác thải nhựa so với 20 năm trước. Cá đã nuốt phải rác thải nhựa bỏ xuống biển, gây tác hại đến hệ sinh thái biển. Sự ô nhiễm hệ sinh thái biển có thể tác động xấu đến sức khỏe của người thông qua hải sản.
Giáo sư Hideshige Takada ở Đại học Nông nghiệp-Công nghệ Tokyo là một chuyên gia về nạn rác thải nhựa, nói: “Xu hướng chung trên thế giới là người dùng các chất làm ô nhiễm môi trường thì phải trả tiền, và chính phủ Nhật cần đề cao ý nghĩa của việc kéo giảm rác thải nhựa”.