TP.HCM: Phụ huynh học sinh hài lòng thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

Giáo dục - Ngày đăng : 15:21, 27/09/2022

Một trong những tồn tại mà ngành giáo dục TP.HCM đang đối mặt là cơ sở vật chất trường học. Với tốc độ tăng dân số quá nhanh, dù đã được các ngành, các cấp hết sức quan tâm, hỗ trợ nhưng tốc độ xây dựng trường lớp vẫn còn hạn chế.

Ngày 27.9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát của Đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM năm 2022.

Khảo sát thực hiện ở 21 đơn vị trường học, trong đó có 6 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 6 trường THCS và 3 trường THPT trên địa bàn 3 quận huyện gồm quận 6, quận 10 và huyện Hóc Môn. Tổng số phiếu khảo sát thu về là 2.400 phiếu, trong đó có 2.100 phiếu của phụ huynh và 300 phiếu của học sinh.

hoc-sinh-rua-tay19.10.tv.jpg
Một số trường thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập thì nhà trường tự trích nguồn kinh phí của trường để duy tu, bảo dưỡng định kỳ và thuê nhân công vệ sinh hằng ngày - Ảnh: P.V

Theo đó, điểm hài lòng của phụ huynh đối với các dịch vụ giáo dục công có điểm trung bình ở tất cả tiêu chí là 4,48 (theo thang điểm 1: rất không hài lòng, 2: không hài lòng, 3: bình thường, 4: hài lòng và 5: rất hài lòng). Phụ huynh hài lòng cao nhất ở môi trường giáo dục (4,55 điểm) và thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (4,37 điểm).

Về phía học sinh, các em hài lòng cao nhất ở hai tiêu chí là môi trường giáo dục và hoạt động giáo dục, đồng thời hài lòng thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (4,19 điểm).

Trong các hạng mục về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thì tiêu chí khu vực vệ sinh an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản có số điểm đánh giá thấp nhất, riêng đối với bậc THPT tiêu chí về sân chơi bãi tập nhận mức đánh giá hài lòng chưa cao. Kết quả cho thấy hai bậc mầm non và tiểu học có mức độ hài lòng cao hơn so với cấp THCS và THPT.

Nhìn chung, tỷ lệ hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công đạt 90,78%. Trong tất cả tiêu chí, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có mức độ hài lòng thấp nhất (87,2%).

Trong khi đó, tỉ lệ hài lòng của học sinh đối với các dịch vụ trong trường học thấp hơn so với đánh giá từ phụ huynh, đạt 84,29%. Tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng đạt tỉ lệ thấp nhất với 78,4%, có sự chênh lệch về mức độ hài lòng giữa học sinh nội thành và ngoại thành.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kết quả khảo sát hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn TP.HCM đã phản ảnh một cách khách quan những nỗ lực của ngành giáo dục - đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy những điểm còn hạn chế, cần phải khắc phục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Như vậy, một trong những tồn tại mà ngành giáo dục thành phố đang đối mặt là cơ sở vật chất trường học. Với tốc độ tăng dân số quá nhanh, dù đã được các ngành các cấp hết sức quan tâm, hỗ trợ nhưng tốc độ xây dựng trường lớp vẫn còn hạn chế.

Để giải quyết những hạn chế đó, Sở GD-ĐT đề xuất một số giải pháp như vận hành tốt hơn cổng thông tin điện tử của các đơn vị, tăng cường công khai các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nhà trường, công khai thông tin tuyển sinh, các khoản thu - chi, tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu các ý kiến phản ánh, đóng góp của phụ huynh và học sinh trên tinh thần lắng nghe, cầu thị.

Sở GD-ĐT yêu cầu trường học tiếp tục tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp, sửa chữa, cải thiện tình trạng của nhà vệ sinh, nâng cao diện tích sân chơi, bãi tập và tăng cường mảng xanh trong trường học.

Một số trường học ở TP.HCM đã đưa ra tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc", trong đó nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn là một trong những tiêu chí quan trọng, cụ thể hóa của việc các em được "yêu thương - an toàn - tôn trọng" ở trường.

Một số trường cũ, xây dựng đã lâu, không có kinh phí xây mới, phụ huynh tự chung tay thực hiện và tặng cho trường, với mong muốn mô hình này được nhân rộng.

Một số trường trung học, thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập thì nhà trường tự trích nguồn kinh phí của trường để duy tu, bảo dưỡng định kỳ và thuê nhân công vệ sinh hằng ngày.

Hy vọng mô hình này sớm được nhân rộng, các trường sớm quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu, để các em học sinh ở trường có những trải nghiệm tốt nhất, cả về thể chất và tinh thần.

Tú Viên