21 đối tác sẵn sàng cứu trợ khẩn cấp Việt Nam giảm nhẹ rủi ro bão số 4

Sự kiện - Ngày đăng : 20:33, 27/09/2022

Các tổ chức quốc tế đã lên kế hoạch sẵn sàng cứu trợ khẩn cấp cho những địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 4 của Việt Nam.

21 đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giảm nhẹ rủi ro bão số 4

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (bão Noru), chiều 27.9, các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm lên phương án đánh giá, làm cơ sở kích hoạt cứu trợ chủ động với ảnh hưởng của bão số 4 đối với một số địa phương miền Trung Việt Nam.

bao-so-4.jpeg

Cuộc họp có sự tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến của 21 đối tác quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó có một số tổ chức, đơn vị thuộc Liên Hợp quốc như Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Chương trình Phát triển (UNDP), Quỹ Dân số (UNFPA), Tổ chức Nông lương (FAO); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (JICA); các đại sứ quán: Australia, Canada, Hàn Quốc…

Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) nhận định đây là cơn bão được nhận định là mạnh nhất trong vòng 20 năm. Dự kiến, bão sẽ đổ bộ Thừa Thiên Huế - Bình Định vào rạng sáng 28.9. Theo đánh giá, bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ với bão Xangsane, từng đổ bộ vào miền Trung Việt Nam (trọng tâm bão là Đà Nẵng) vào tháng 10.2006; sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Cơn bão năm 2006 đã khiến 76 người bị chết và mất tích; 350.000 nhà dân sập đổ, hư hỏng. Thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng cần kích hoạt những hành động sớm để đảm bảo có thể đưa ra được những hỗ trợ cụ thể cho người dân trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng để có thể giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Andrew Jeffries cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay cần phải làm là thành lập những đoàn đánh giá nhanh, cử đến những địa phương để ngay sau khi bão xảy ra để có thể đánh giá được những tác động cũng như thiệt hại và nhu cầu của người dân.

Sau thời gian đánh giá rủi ro từ bão số 4, các đoàn sẽ tổng hợp thông tin để cung cấp cho cơ quan Chính phủ Việt Nam, cũng như những nhà tài trợ. Từ đó có những quyết định về việc kích hoạt các hành động về cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ cho Chính phủ và người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão số 4.

Hàng loạt sân bay ngừng khai thác vì bão số 4

Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Trung đã ra quyết định tạm dừng khai thác các Cảng hàng không khu vực miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru).

san-bay.jpg

Theo đó, tạm dừng khai thác Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng hàng không Pleiku, Cảng hàng không Phù Cát từ 12 giờ ngày 27.9 đến 11 giờ 59 phút ngày 28.9 (giờ địa phương). Đối với Cảng hàng không Chu Lai, tạm dừng khai thác từ 7 giờ ngày 27.9 đến 6 giờ 59 phút ngày 28.9.

Sau 5 Cảng hàng không ở miền Trung, đến thời điểm này có thêm 5 Cảng hàng không khác tạm dừng khai thác do ảnh hưởng của cơn bão Noru.

Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm dừng khai thác Cảng hàng không Vinh từ 3 giờ ngày 28.9 đến 16 giờ ngày 28.9 (giờ địa phương); Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Đồng Hới từ 22 giờ ngày 27.9 đến 20 giờ ngày 28.9 (giờ địa phương); Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Tuy Hòa từ 15 giờ 30 phút ngày 27.9 đến 8 giờ ngày 28.9 (giờ địa phương); Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Buôn Ma Thuột từ 12 giờ ngày 27.9 đến 11 giờ 59 phút ngày 28.9; Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Liên Khương từ 16 giờ ngày 27.9 đến 15 giờ 59 phút ngày 28.9 (giờ địa phương).

Hành khách bị ảnh hưởng bởi cơn bão Noru sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ). Các hãng hàng không khuyến nghị hành khách có kế hoạch bay trong thời gian này cần theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ hãng qua fanpage, website của hãng hoặc nhắn tin tới điện thoại, email mà khách hàng sử dụng khi đặt vé.

Trước tình hình ảnh hưởng của cơn bão số 4, các hãng hàng không cũng lần lượt điều chỉnh phương án bay. Đơn cử như hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, sau các sân bay Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Pleiku, hãng sẽ tiếp tục tạm dừng khai thác nhiều chuyến bay đến, đi từ sân bay ở miền Trung.

Tính đến thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 27.9, tổng số chuyến bay của Vietnam Airlines phải thay đổi lịch khai thác do bão này như hủy chuyến, bay sớm hoặc chậm hơn so thời gian dự kiến lên tới 150 chuyến, trong đó, có 148 chuyến bay nội địa và 2 chuyến bay quốc tế, với tổng số khách gần 14.000 người.

Thời gian này, hành khách cần lưu ý ảnh hưởng của cơn bão đến các tuyến đường, phương tiện giao thông đến sân bay xuất phát để chủ động thời gian, phương án di chuyển, đảm bảo đến sân bay kịp thời.

Trong một diễn biến liên quan, một máy bay của hãng hàng không Pacific Airlines ngày hôm nay (27.9) đã bị sự cố kỹ thuật, kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sắp đến giờ sân bay này đóng cửa, dừng khai thác, chiếc máy bay này vẫn chưa khắc phục được sự cố

Trước tình hình đó, các hành khách trên chuyến bay này được chuyển qua chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines để tiếp tục hành trình. Ngay sau đó, nhân viên phục vụ tại mặt đất đã neo máy bay gặp sự cố tại sân bay Đà Nẵng để tránh nguy cơ hư hỏng khi bão đổ bộ.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết đến chiều nay, không còn hành khách kẹt ở sân bay Đà Nẵng.

Tuyết Nhung